Doanh nghiệp thủy sản phải làm gì để có thể mang về 10 tỷ USD?
(DNTO) - Dù tăng trưởng vượt bậc nhờ những con số "biết nói" trong 5 tháng đầu năm, nhưng bức tranh toàn ngành thủy sản Việt Nam thời gian tới vẫn nhiều thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp thủy sản phải tính toán những kịch bản sâu, để có thể chạm tay vào mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD.
Tính đến giữa quí 2/2022, doanh số xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 4 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 9,5 – 10 tỉ đô la trong năm nay.
Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia kinh tế, có khá nhiều thách thức cho xuất khẩu thủy sản trong những quý cuối năm. Trong đó phải "điểm mặt" là nguyên liệu, nhập khẩu, chứng nhận khai thác, thị trường Trung Quốc, quy định trách nhiệm môi trường...
Đơn cử như mặt hàng tôm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, các đơn hàng xuất khẩu thời điểm này là đơn hàng đã ký trước và trong giai đoạn dịch Covid-19, giá xuất chưa bù đắp được sự tăng chi phí sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp đã và đang phải đàm phán điều chỉnh giá theo tỉ lệ đơn hàng để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp phản ánh, trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng quý III,IV, thông thường các nhà máy tăng tốc để xuất vào thị trường Mỹ do đây là mùa sản lượng lớn, vụ thu hoạch chính, mức giá tương đối thấp để xuất bán cho thị trường Mỹ. Tuy nhiên, năm nay do có điều khác biệt là tình hình nuôi trồng ở Việt Nam khó khăn nên sản lượng trong thời gian tới được các doanh nghiệp dự báo không như dự kiến.
“Chúng ta còn khó khăn nữa là cạnh tranh với một số nước khác như Ấn độ, Indonesia… Các nước này bán rẻ hơn Việt Nam nên lượng hàng vào Mỹ của Việt Nam rất thấp so với những năm trước. Tình hình lạm phát mạnh ở các nước lớn như Mỹ nên sức mua giảm, họ muốn chuyển chi phí này cho người nuôi gánh”, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ.
Đưa ra những khó khăn tại các thị trường xuất khẩu, bà Cao Thị Kim Lan, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), đề nghị: "Phải sắp xếp lại sản xuất, chuyển sang chế biến hàng giá trị gia tăng để giảm áp lực nguyên liệu, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Nhập khẩu nguyên liệu cần chương trình mang tính chiến lược quốc gia thì nguồn nguyên liệu mới hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định".
"Chẳng hạn ở tỉnh Bình Định, nguyên liệu xuất khẩu là cá ngừ đại đương chiếm 70%, hiện nay các doanh nghiệp nâng giá trị gia tăng, sản phẩm tăng. Nhưng thiếu nguyên liệu, hợp đồng ký rất nhiều, lực lượng khai thác đánh bắt cũng giảm. Một năm đi được 5 chuyến biển, 3-4% huề vốn và coi như lỗ hết. Các hợp đồng ký nhưng không có hàng giao, do chi phí xăng dầu tăng cao, do lạm phát… những mặt hàng sẽ giảm nhiều. Làm sao có chương trình chiến lược mang tầm quốc gia?", bà Lan trần tình.
Tại Diễn đàn CEO “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản – Góc nhìn người trong cuộc”, mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty CP Sao Ta cho rằng, hiện nguồn cung cấp tôm nguyên liệu từ nuôi nhỏ lẻ manh mún và tự phát vẫn còn là chủ lực. Người nuôi nhỏ lẻ đối diện rủi ro rất cao là thiếu nước nuôi và không nơi xử lý nước thải nên xả ra kênh chung khiến tôm dễ nhiễm chéo là phổ biến. Từ đó dễ dẫn tới nguồn cung thiếu, chưa nói chất lượng sản phẩm.
"Nhà nước và cơ quan liên quan cần tạo sự thông thoáng trong cơ chế hình thành các trang trại nuôi quy mô lớn, có tác dụng dẫn dắt toàn ngành trong việc nâng cao sức cạnh tranh với các cường quốc tôm thế giới. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm để nâng cao hiệu suất nuôi tốt hơn", ông Lực phân tích.
Tăng khả năng tồn trữ là bài toán căn cơ
Các chuyên gia cho rằng, mấu chốt của ngành tôm là sản xuất chưa ổn định, có thời điểm chế biến chỉ bằng một phần ba so với lúc cao điểm. Việc đầu tư kho bảo quản thời gian trước chỉ tính đến việc làm sao để đảm bảo lượng tồn kho.
Sau này, biến động thị trường quá lớn, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát các nước nhập khẩu ngưng ngay không nhập, chậm trễ 3 – 4 tháng. Lúc đó hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra không có chỗ tồn. Do vậy bài toán lưu kho không còn như trước nữa, tức cần phải đầu tư nhiều hơn.
"Tiêu dùng thuỷ sản thế giới đang có những thay đổi rõ nét hơn trong bối cảnh hậu Covid-19 và điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng. Trong khi đó, ở góc độ sản xuất, chế biến cũng đặt ra yêu cầu phải gia tăng khả năng tồn trữ thông qua đầu tư hệ thống các kho lạnh để có thể vượt qua giai đoạn khủng hoảng mang tính chu kỳ", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, nhận định.
Để giải quyết vấn đề liên quan đến kho bảo quản, theo ông Nam, doanh nghiệp thủy sản nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung cần phải tính toán những kịch bản sâu, dự đoán cả những biến cố, thiên tai có thể xảy ra trong 5 – 10 năm tới khi đầu tư hệ thống kho bảo quản... Có như vậy, tôm Việt mới đạt các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 đã đề ra và nâng cao khả năng vươn tầm hàng đầu thế giới.