Ồ ạt cuộc đua huy động vốn có khiến mặt bằng lãi suất 'nóng' hơn vào cuối năm?
(DNTO) - Cuộc đua hút vốn giữa các ngân hàng ngày càng hấp dẫn khi các "ngưỡng chặn" nhanh chóng được thay thế bởi các mặt bằng giá mới. Song "nước lên thuyền lên", mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân hiện dao động quanh mức 13-14%/năm và lãi suất cho vay doanh nghiệp ở mức 9-10%/năm cũng là con số đáng "báo động".
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 1%, khiến cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng ngày càng nóng. Nếu như khoảng 2 tuần trước đây, mức lãi suất 8%/năm đã là cao nhất thị trường thì sang tới tuần này, mức lãi suất 8,5%/năm trở nên phổ biến.
Cụ thể, trong chiều tối 25/10 và sáng 26/10, hàng loạt các ngân hàng đã thay biểu lãi suất mới, nâng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức hấp dẫn.
Ở kỳ hạn 1-3 tháng, mức lãi suất được duy trì từ 4-6%/năm, nhiều ngân hàng nâng lên mức trần 6%/năm tại Nam A Bank, BVB và Bac A Bank, NCB, SHB, KLB và LPB…
Đối với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất được nâng lên từ 5-7.9%/năm, các ngân hàng ghi nhận mức trần như BVB, Bac A Bank, PvcomBank… Trong khi đó, kỳ hạn 12 tháng được duy trì từ 5.6-8.5%/năm.
Không chỉ ở kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, mà một số ngân hàng sau khi thay đổi biểu lãi suất mới đã nâng lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó phải nhắc đến Bản Việt đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng từ mức 6,5 - 6,7%/năm lên 7,6 - 8,1%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất Bản Việt đưa ra đã tăng từ 7%/năm lên 8,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 8,9%/năm thuộc về các kỳ hạn dài 18, 24, 36, 48 và 60 tháng đến nay đã tăng lên đến 8,9%/năm.
Đặc biệt, ngưỡng chặn 9% đã bị phá khi trên thị trường xuất hiện biểu lãi suất thuộc hàng "quán quân"của Ngân hàng số Cake by VPBank với số tiền gửi từ 300 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng được lãi suất lên đến 9,5%/năm.
Tình trạng "rượt đuổi" lẫn nhau dẫn đến có ngân hàng trong một tuần tăng lãi suất 2 lần. Theo thừa nhận của giám đốc một chi nhánh MB tại Hà Nội, lãi suất sẽ phải tăng tiếp trong tháng tới.
Có thể thấy, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ chính sách vĩ mô, nội tại hệ thống ngân hàng đang rất "khát" tiền gửi. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2022, tổng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 4,04%. Trong khi đó, cùng thời điểm này của năm 2021 huy động vốn tăng khoảng 4,28%; năm 2020 là 7,7%, còn so với cùng kỳ năm 2019 thì mức tăng đến 8,7%, và năm 2018 tăng 9,15%. Như vậy, huy động vốn của hệ thống ngân hàng hai năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt so với giai đoạn từ năm 2020 trở về trước.
Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn khiến chênh lệch giữa số dư huy động và dư nợ tín dụng của hệ thống xuống thấp nhất 5 năm. Nên cuộc đua hút vốn ngày càng nóng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, không tạo ra các mối quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ các công trình dự án nên không tạo ra dòng tiền luân chuyển qua ngân hàng. Bởi một dự án đầu tư bằng vốn ngân sách thường có quy mô lớn, khi vốn đầu tư công được giải ngân sẽ "kích hoạt" rất nhiều việc làm và hoạt động kinh doanh khác ngoài xã hội và sẽ làm tăng các dòng chảy vốn qua ngân hàng.
Không những vậy, cuộc đua hút vốn này vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia VNDirect cho rằng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 do NHNN đã chính thức cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ đầu tháng 9, dẫn đến việc tăng về nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại.
Đồng thời, tăng trưởng huy động chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 do lãi suất huy động kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất điều hành lên mức quanh 4,5% vào cuối năm 2022. Và cuối cùng, USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.
Theo đó, các chuyên gia dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 6,5-6,7%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022.
Kẻ mừng, người lo
Đánh giá việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều chuyên gia cho rằng nhằm đảm bảo giá trị đồng tiền, giảm sức ép cho tỉ giá hối đoái. Người gửi tiền được lợi, và người dân sẽ yên tâm hơn khi giữ tiền đồng, không lo mất giá.
Tuy nhiên, trước chi phí đầu vào tăng tạo áp lực lên lãi vay, và khó có thể tránh được việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay. Nếu tính theo hệ số NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng thương mại đang áp dụng (trung bình 3%), lãi suất cho vay phải tương đương mức 12%/năm cho kỳ hạn 1 năm trở lên.
Thực tế, ngay sau khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng đẩy tăng mạnh. Trong đó, mức điều chỉnh thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 0,1 - 0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng dưới 1%/năm. Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng tới 0,5 - 1%/năm. Riêng lãi suất cho vay cá nhân tăng tới 2 - 4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng lưu ý: Khi lãi suất tăng, người gửi tiền/cho vay sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn với cả nợ đang còn và nợ mới.
"Tất nhiên, tăng lãi suất là khó khăn đối với doanh nghiệp rồi, vì doanh nghiệp vẫn đi vay là chủ yếu. Đây là việc làm rất khó khăn của các ngân hàng trung ương, trong đó có NHNN. Vì thế, ngân hàng trung ương hiện nay phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào", ông Lực phân tích.
Theo TS. Cấn Văn Lực, 3 mục đích chính của lần tăng lãi suất lần này là: Kiểm soát kỳ vọng lạm phát (khi lãi suất tăng, giảm tổng cầu, giảm áp lực giá cả, lạm phát sau đó); Lường đón các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); Giảm áp lực tỷ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng, chính là tăng hấp dẫn của đồng nội tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD/VND, qua đó, giảm áp lực tỷ giá.
Ghi nhận trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết một trong những yếu tố khiến lãi suất cho vay khó giảm ngay trong thời gian tới là các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
“Cung về vốn bị đọng tại ngân sách Nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Rõ ràng, khó tránh khỏi thực trạng "nước lên thuyền lên", khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh cuối năm và lúc này “cái phao” của họ có thể là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
“Cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2%/năm có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 0,2-0,4 điểm % và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất cho vay do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động", các chuyên gia nhấn mạnh.