Nghịch lý: Ngân hàng được 'bơm' tiền, song doanh nghiệp vẫn 'dài cổ' chờ giải ngân
(DNTO) - Mới đây, ngày 6/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục mở room tín dụng để tăng sức khỏe cho các nhà băng trong việc trợ lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế, số tiền rót vào chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tín dụng của khách hàng, khiến bài toán co kéo vốn vẫn khiến nhà điều hành "đau đầu".
Sau đợt bổ sung tín dụng cho 18 tổ chức, mới đây, ngân hàng nhà nước đã tiếp tục cấp thêm room tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, MB, HDBank và VPBank Theo đó, các ngân hàng này sẽ có thêm hơn 80 nghìn tỷ đồng để cho vay ra.
Song các doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân vẫn chưa hài lòng khi liên tục phản ánh thiếu vốn, tình trạng “xếp hàng” chờ giải ngân vẫn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp phản ánh các ngân hàng không từ chối hồ sơ vay nhưng duyệt rồi... để đó.
Ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) - cho biết, hiện nay tỉ giá USD tăng mạnh đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi nhuận hơn. Song, trên thực tế các doanh nghiệp lớn chỉ tăng về giá trị xuất khẩu và sản lượng trong nước mà không thể ký kết được hợp đồng mới. Một trong những nguyên nhân là do khó khăn về vốn, không thể tiếp cận vốn tín dụng vì các ngân hàng đều siết hạn mức tín dụng.
"Các ngân hàng đang siết tín dụng khiến các doanh nghiệp vất vả, vì không có tiền mua lúa gạo cho dân. Chúng tôi mong muốn ngân hàng mở rộng room để vay được vốn kinh doanh. Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có hướng nới tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giúp ngành lúa gạo tận dụng được cơ hội hiện nay", ông Tùng đề nghị.
Chị Hải Yến, Giám đốc Công ty CTL, cho biết thời gian qua việc kinh doanh của công ty chị gần như ngưng trệ vì dòng tiền không có. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, CTL triển khai nhiều dự án ở Lâm Đồng trong đó có dự án đã ra sổ đỏ từng nền, có dự án vẫn còn là đất nông nghiệp. Thế nhưng từ đầu năm đến nay công ty làm hồ sơ vay vốn ngân hàng đều không được duyệt khiến các dự án đều dở dang.
"Ngân hàng cũng không thông báo chính thức là có cho hay không, khi nào được vay mà chỉ thông báo chung chung là sẽ cân nhắc gọi lên và ưu tiên giải ngân. Tôi có liên hệ một vài nơi khác nhưng ngân hàng nào cũng thông báo room cho vay nhỏ giọt. Bạn tôi cũng vay mua nhà nhưng chưa được giải ngân, dù đã mua bảo hiểm nhân thọ và chấp nhận lãi suất vay cao hơn,” chị Yến kể.
Nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết ngay sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, những khách hàng đã được duyệt hồ sơ vay vốn từ trước nhưng chưa được giải ngân đã liên tục gọi điện thoại để đốc thúc cả ngày lẫn đêm. Trong khi thực tế đến nay hội sở vẫn chưa có thông báo phân bổ về chi nhánh do vậy chưa thể giải ngân dù hồ sơ xếp hàng chờ.
Thực tế, nhìn vào bức tranh hạn mức mà ngân hàng nhà nước cấp cho mỗi nhà băng mỗi đợt dao động khiêm tốn ở ngưỡng chỉ từ 0,7 - 4%, nên tình trạng “xếp hàng” chờ giải ngân là điều khó tránh khỏi, nhất là với một số ngân hàng có hạn mức vốn "thấp cổ bé họng".
Như vậy, “van tín dụng" tuy đã được mở, nhưng do lo ngại lạm phát, ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm, không tăng room vượt quá 14% cả năm nên mở cũng chỉ như nước chảy nhỏ giọt.
Theo ghi nhận, lãnh đạo một số nhà băng thừa nhận hạn mức tín dụng được cấp mới không nhiều nên chỉ đáp ứng được những hồ sơ đã hoàn tất thủ tục, triển khai cho vay vài tuần là hết. Những hồ sơ đến sau dù đã duyệt nhưng cạn room nên ngân hàng đành cáo lỗi với khách hàng bằng cách yêu cầu chờ. “Chờ khách hàng cũ trả nợ rồi giải ngân cho những khách hàng thân thuộc, truyền thống. Hạn mức tín dụng vừa cấp thêm cho các ngân hàng cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu trên thị trường hiện nay”, đại diện nhà băng trần tình.
Thiếu vốn được ví như “cỗ máy” không có xăng dầu, làm sao có thể vận hành được. Thắt chặt cung tiền đang khiến mặt bằng lãi suất tăng, doanh nghiệp thiếu vốn, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tình hình này đang ngày một căng thẳng và càng để chậm, hậu quả tới nền kinh tế sẽ càng nguy hiểm.
Cụ thể, cho đến quý 3 vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt. Tuy nhiên, khi nội soi "sức khỏe" của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: Vì sao tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức rất cao, nhưng vẫn có tới gần 112,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021 (bình quân hơn 400 doanh nghiệp ra khỏi thị trường mỗi ngày). Phải chăng còn quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ, ( về mức độ, tính kịp thời) dẫn đến thực trạng là phải đóng cửa?
"Dù tăng trưởng kinh tế tốt lên, song tốc độ giải ngân của các chương trình phục hồi kinh tế còn chậm, dẫn đến hậu quả số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng cao gần 25%. Điều này cho thấy vấn đề hỗ trợ chưa sát. Chính sách thì có, nhưng chuyển biến chậm, nhiều lỗ hổng, trong khi doanh nghiệp không cứu được là ngưng hoạt động ngay", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân trăn trở. Và đây cũng là những băn khoăn chung của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tình hình kinh tế xã hội trong ngày 22/10.
Theo đó, để không gãy đà tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục khơi thông 1-2% room tín dụng nữa, tức nâng room tín dụng cả năm lên 15-16%, đồng nghĩa với nền kinh tế có thêm 100.000-200.000 tỷ đồng vào dịp cao điểm kinh doanh cuối năm là rất cần thiết, giải tỏa bớt cơn bí bách về vốn cho doanh nghiệp. Với tình hình lạm phát và vĩ mô tốt hiện nay, việc nới thêm 1-2% room tín dụng không phải là bất khả thi. Theo đó, ngân hàng nhà nước có thể giao trọng trách này cho nhóm Big 4 và các ngân hàng có quản trị rủi ro tốt.
“Năm nay, tăng trưởng GDP rất tốt do du lịch tăng trưởng đột ngột, nhưng trên nền cao này, du lịch năm sau sẽ không tăng trưởng đột phá nữa. Thêm vào đó, lạm phát gia tăng, thị trường vốn và bất động sản khó khăn sẽ khiến tinh thần kinh doanh có nguy cơ sa sút. Muốn duy trì được đà tăng trưởng, không giải pháp nào quan trọng hơn là "truyền máu", tức bơm thêm vốn cho nền kinh tế. Có thể bơm vốn không nhiều, song nếu tích cực quay vòng nhiều lần, sẽ làm thị trường ấm nóng trở lại”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhìn nhận.
Lo nguy cơ "chảy máu" vốn?
Ở góc độ điều hành, không ít lần ngân hàng Nhà nước thừa nhận, tín dụng đang chịu nhiều sức ép trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao mà các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi.
Cụ thể, thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, so với cùng kỳ năm 2021, đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối có xu hướng giảm.
Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Trong khi đó, xu hướng lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Đức… đều có mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang “vật lộn” với khó khăn này.
Đơn cử, Fed đã "mạnh tay" điều chỉnh mạnh lãi suất và liên tiếp như gần đây tăng lãi suất thêm 0,75%. Đáng lưu ý, Fed tuyên bố đến năm 2023 có thể nâng lãi suất lên tới 4,6%, trước khi lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng trung ương các nước phản ứng rất mạnh đối với biến động lạm phát và cũng phải tăng lãi suất rất mạnh, khoảng trên dưới 200 lượt tăng lãi suất với mức cao.
Trong khi đó, theo Thống đốc NHNN, Việt Nam có độ mở cửa kinh tế rất lớn, nhu cầu vốn tín dụng phụ thuộc vào ngân hàng nhiều nên vấn đề tín dụng, lãi suất thường diễn biến phức tạp. Do đó, công tác điều hành vĩ mô, trong đó có công tác điều hành chính sách tiền tệ vô cùng khó khăn, và cũng ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
"Chính vì vậy, ngân hàng nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Nhìn vào bối cảnh nền kinh tế hiện nay, không khó hiểu vì sao ngân hàng nhà nước lại thận trọng giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022 cho đến việc phân bổ thêm room tín dụng một cách nhỏ giọt. Trước áp lực lạm phát, tỷ giá khó lường, chính sách của NHNN cũng phải "co kéo" giữa nhiều mục tiêu cùng lúc.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: Trong hơn 10 năm qua, việc ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng rất cao, ở mức trên 30%. Nhưng trong 10 năm trở lại đây, NHNN đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 12-14%. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá sẽ lớn, tạo nguy cơ "chảy máu" vốn. Tăng tín dụng lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt.
Áp lực tăng trưởng tín dụng luôn cao trong nhiều năm gần đây, cao hơn tăng trưởng kinh tế. 10 năm qua, quy mô kinh tế tăng 2,7 lần, còn quy mô tín dụng tăng 4,4 lần. Tức là tỷ lệ tín dụng/GDP tăng từ 80% lên trên 124%, ngưỡng "cần chú ý” theo cảnh báo của các tổ chức tài chính quốc tế.
“Đây là một quyết định rất thận trọng, tăng cho một số ngân hàng cụ thể nhưng vẫn kiên định với mục tiêu 14% so với mục tiêu ban đầu. Ngân hàng nhà nước nhận thấy không có ổn định vĩ mô, không có ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thì không thể phát triển bền vững được” - chuyên gia kinh tế, giới phân tích nhận định.