Giảm lãi suất cho vay: Đừng để giảm 'tay trái' nhưng lại tăng 'tay phải'
(DNTO) - Trong những ngày còn lại của năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, trong khi dòng tiền trong trạng thái "mùa đông khó khăn". Hơn lúc nào hết, các ngân hàng thương mại từ lớn đến nhỏ cần sự đồng thuận tích cực, hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế "vượt cạn".
Mặc dù tỷ giá đã bớt căng thẳng, song mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5 – 12%/năm. Thậm chí, có nhân viên ngân hàng còn chào mời lãi suất “ngầm”, bao gồm cả khuyến mãi cho các khoản tiền gửi lớn lên tới 13%/năm. Động thái này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay.
Trước tình hình đó, ngày 7/12, Hiệp hội ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Mặc dù Hiệp hội ngân hàng đã kêu gọi song thực tế, theo doanh nghiệp phản ảnh, lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 - 16%/năm đối với hình thức cho vay tín chấp, còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 14%/năm.
Tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, ngày 15/12, Hiệp hội ngân hàng kêu gọi các ngân hàng đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 30 tổ chức tín dụng vừa được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung sẽ căn cứ vào năng lực tài chính của mình tiết giảm chi phí, hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhấn mạnh, giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận và cổ đông cũng phải chia sẻ. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí, không để tình trạng giảm “tay trái” nhưng lại tăng “tay phải”. Tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn
Về cơ chế chính sách, ông Tú cho biết, NHNN đang tích cực nghiên cứu điều chỉnh cơ chế phù hợp, linh hoạt tạo điều kiện hơn cho các TCTD hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã quán triệt tinh thần là hướng tới các mục tiêu lớn, chứ không chạy theo mục tiêu nhỏ. Về lâu dài, không để tiền lệ chấp nhận 1, 2 đơn vị đặc thù trong trường hợp đặc biệt biến thành cơ chế chung cho cả hệ thống.
“Phải hiểu các chương trình hỗ trợ của các ngân hàng thương mại hết sức có ý nghĩa, không chỉ số lãi suất giảm mà quan trọng là xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, khẳng định sự đồng hành của ngân hàng với nền kinh tế. Các ngân hàng cần xác định, mình có lợi nhuận là nhờ nền kinh tế, bà con, doanh nghiệp, các bên đều có mối quan hệ cộng sinh, khi khó khăn nên chia sẻ, hỗ trợ nhau,” ông Tú nhận định.
Khẳng định thanh khoản toàn hệ thống không thiếu, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chỉ rõ thực trạng vẫn còn nhiều nhà băng rêu rao “chỗ này", "chỗ kia" thiếu thanh khoản và đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng không được như trước, dẫn đến thị trường liên ngân hàng có lúc bị chao đảo, thậm chí hoạt động không được thông suốt.
Đồng thời ông nêu rõ, nhằm đảm bảo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết đồng thuận, Hiệp hội sẽ phối hợp các cơ quan chức năng của NHNN theo dõi, đánh giá tổng kết quá trình tổ chức thực hiện đối với ngân hàng cam kết. Từ kết quả thực hiện cam kết này để đề xuất chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các ngân hàng, trên cơ sở khuyến khích các đơn vị thực hiện nghiêm túc đồng thuận giảm lãi suất.
Tín hiệu "vào cuộc" đầu tiên từ phía nhà điều hành là mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ. Nếu ngân hàng thương mại có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho NHNN.
“Các ngân hàng khi cam kết nên công bố công khai lên báo chí, truyền thông, vì đây là vinh dự và trách nhiệm, ngân hàng nào đã cam kết thì cần quyết tâm thực hiện đúng. NHNN sẽ có chế tài, quy định để xử lý các tổ chức tín dụng không thực hiện theo quy định của NHNN, hay có thực hiện giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí, gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp", ông Hùng nhấn mạnh.