Cần giải pháp đồng bộ để tiền 'chảy mạnh' vào nền kinh tế
(DNTO) - Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khả năng tiếp cận vốn rất hạn hẹp. Điều này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, làm chậm tiến trình hồi phục, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Vốn là "mạch máu" của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khả năng tiếp cận vốn rất hạn hẹp. Tình hình chung là các doanh nghiệp đang cố gắng chống chịu.
Thực tế, từ đầu năm đến nay kênh dẫn vốn quan trọng nhất là tín dụng ngân hàng, tăng trưởng của kênh này hiện cao nhất từ đầu năm trở lại đây, mang lại gần 1,4 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế. dù vậy vẫn chưa đủ. Nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn, quan trọng hơn là ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là bảo đảm ổn định dòng tiền để ổn định kinh tế vĩ mô, kềm chế lạm phát.
Nêu khó khăn tại buổi Tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp", ngày 13/12, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết năm 2022, lạm phát trên toàn cầu khiến các doanh nghiệp sản xuất chịu chi phí đầu vào tăng cao, từ nguyên liệu, vật tư, phí vận chuyển, tiền lương cho người lao động đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng… Đối với những doanh nghiệp bị phụ thuộc nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị ở thị trường bên ngoài thì tỉ giá tăng đã ảnh hưởng lớn. Tất cả những yếu tố này khiến các doanh nghiệp thuộc Hội lương thực Thành phố, đối diện nhiều khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn để duy trì và đảm bảo ổn định các hoạt động sản xuất trước, trong và sau Tết.
"Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn còn độ trễ. Doanh nghiệp mong muốn từ chỉ đạo này, các Ngân hàng thương mại sớm nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn", ông Dũng bày tỏ.
Đặc biệt, trong câu chuyện khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích có một nguyên nhân ở hiện tại, là các doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu để huy động vốn thêm mà còn tăng cường mua lại trái phiếu cũ để tránh rủi ro pháp lý. Xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp tăng mạnh trong 11 tháng của năm nay càng làm cho dòng vốn trên thị trường bị thu hẹp...
Để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế, nhận định, vấn đề lớn nhất hiện nay phải phối hợp đồng bộ các chính sách. Cần chính sách chung và lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua tăng tín dụng cho nền kinh tế hoặc lãi suất cho vay không quá cao. Nhưng khi nới lỏng tiền tệ thì phải đối phó với nguy cơ lạm phát.
“Hiện chưa có bóng dáng của lạm phát nhập khẩu đến lạm phát trong nước. Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại cũng phải "đốt đuốc" tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng, làm sao cho khoảng cách này được rút ngắn và giữa ngân hàng với doanh nghiệp có tiếng nói chung”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng: “Thời gian qua có thể chúng ta kiểm soát rủi ro mạnh quá làm tắc nghẽn không đáng có trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng. Do đó, cần phải cân bằng giữa ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp”.
Theo ông đánh giá, chính sách tiền tệ hiện vẫn đang thu hẹp, tỉ giá tương đối cao cao, lãi suất cao, dự trữ ngoại hối tương đối nhiều. Do đó, cần phải nhận diện thêm về chính sách tài khóa.
“Chúng tôi đang kiến nghị, năm tới, chính sách tài khoá cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân như thuế, phí, có thể giãn, hoãn, hoặc giảm. Kể cả chuyện trợ giá, xăng dầu, năng lượng sẽ làm tiếp ra sao. Ngân hàng Nhà nước vừa nới room tín dụng là rất tích cực, vì nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dở dang khi trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được. Nay cần vốn cho những khoản nợ đến hạn phải thanh toán, người mua nhà phải giải ngân tiếp tục...
Ngoài ra, cần chú ý các kênh dẫn vốn khác, như trái phiếu doanh nghiệp cần khẩn trương tháo gỡ, vì đây là kênh rất quan trọng với doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp khác", ông Lực nhấn mạnh.
Để "trợ lực" cho doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn quốc tế CIB, đề xuất 3 nhóm giải pháp. Trong đó, cần phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực; nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn, như cách một số doanh nghiệp đã làm trong giai đoạn gần đây.
"Riêng những doanh nghiệp "sức khỏe" không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém hiệu quả, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối...", ông Mã Thanh Danh cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho rằng, hiện tại có nhiều phương pháp giải cứu cho các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu khá nhiều, trong đó phương pháp "hàng đổi hàng", cùng hợp tác đầu tư, gia hạn thời gian thanh toán, cộng thêm lãi… cũng là cách tốt các doanh nghiệp đang làm.
Bên cạnh đó, cần sớm sửa Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cung là doanh nghiệp sẽ phát hành dễ thở hơn; còn cầu là các tổ chức như ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ mở, công ty khác… mạnh dạn đầu tư hơn vào các doanh nghiệp. Và kiến nghị Bộ Tài chính mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, để tăng tỉ lệ trong tổng giá trị phát hành lên. Như trước đây phê duyệt hồ sơ trong 60 ngày thì nay giảm xuống còn 30 hoặc 15 ngày.