'May đo' gói tín dụng phù hợp và thế khó của ngân hàng
(DNTO) - Ngân hàng hiện có hơn 6 triệu tỷ đồng "tồn kho" trong khi doanh nghiệp khát vốn vì khó tiếp cận vốn. Làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ "bơm vốn" mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống trong bối cảnh nợ xấu tăng cao hiện là bài toán khó với các ngân hàng.
Cạn thanh khoản, thiếu đơn hàng, khó duy trì hoạt động liên tục… đang là những cụm từ xuất hiện dày đặc trong các kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên tiếp gửi Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước.
Để trợ lực cho doanh nghiệp, hàng loạt thông điệp giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp dồn dập được đưa ra, đặc biệt việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 687/2023 vào ngày 27/7 về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đã cho thấy Chính phủ đang rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, song lãi suất cho vay thực vẫn ở mức cao. Chính vì vậy, phải làm gì để dòng vốn rẻ đến được tay doanh nghiệp, thay vì “lên tivi mà vay” đã trở thành vấn đề bức thiết, nhất là khi sức khỏe của nhiều doanh nghiệp ngày càng đáng lo ngại.
Nhiều doanh nghiệp than thở, tiếp cận vốn đang là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu, bởi điều kiện vay của ngân hàng vẫn áp dụng như thời điểm nền kinh tế còn "sung sức".
“Những doanh nghiệp cần vay nhất hiện nay đều đang thua lỗ, khó khăn, nhưng ngân hàng vẫn đòi hỏi những tiêu chuẩn như trong điều kiện bình thường trước đây. Nếu chúng tôi đang làm ăn có lãi thì ngân hàng còn phải đến tận nơi gợi ý cho chúng tôi vay”, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Đông Á đánh giá.
Dẫn công bố của NHNN, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 7/2023 là 8,9%/năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, lãi suất cho vay thực là 6,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013 - 2021 là 5,9%/năm và 4,6%/năm.
“Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, đồng thời làm tăng nợ xấu”, ông Độ nhận định.
Tại Hội nghị mới đây, nhiều ngân hàng vẫn rất trăn trở về "thế khó" của mình trong việc nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng, bởi nếu để thất thoát vốn thì trách nhiệm và hậu quả là rất lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng cần thêm điểm tựa thì mới có thể “phóng tay” đẩy mạnh tín dụng. Đơn cử, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phát huy hiệu lực của các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; với doanh nghiệp bất động sản, cần kích hoạt lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp…, thay vì tất cả đều đổ dồn gánh nặng vào tín dụng ngân hàng.
Chỉ rõ những bất cập về việc doanh nghiệp "than phiền" khó tiếp cận vốn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, ngân hàng đặt mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng doanh nghiệp lại "lách" để vay hơn, có quan hệ tín dụng với 5 - 7 ngân hàng khiến "nhà băng" hơi nản lòng trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vì sẽ khó khăn trong việc đánh giá, quản trị tài chính của doanh nghiệp chưa đảm bảo.
"Tất cả các ngân hàng đều đang có những giải pháp hết sức hữu hiệu, coi khách hàng đang đứng “chung thuyền” để có những hỗ trợ khách hàng. Trong bối cảnh này, lời khuyên đối với doanh nghiệp là tìm được ngân hàng tốt, sau đó hãy “chung thủy” với 1 ngân hàng. Nếu không, không thể hy vọng ngân hàng cho vay không có tài sản đảm bảo", ông Hùng nói.
Không những thế, theo Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, một số doanh nghiệp nhỏ vay vốn đáng lẽ để sản xuất kinh doanh nhưng lại đổ vào lĩnh vực khác. Ông cho biết: "Sự nóng lên của thị trường bất động sản đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi thấy một phần vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh nhưng một phần khác lại vào homestay ở Ba Vì, Sóc Sơn… và những dự án khác.
"Chưa kể họ còn đầu tư vào trái phiếu hay thị trường chứng khoán. Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào thị trường chứng khoán dưới danh nghĩa công ty. Cũng không thể nói đây là dòng tiền từ ngân hàng nhưng tôi cho rằng đáng lẽ số tiền đó phải được sử dụng tốt hơn thông qua đầu tư vào sản xuất kinh doanh", ông Bình dẫn chứng.
Nêu quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, năng lực quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị về mặt tài chính, quá trình hoạt động, thị trường, pháp lý...là những nút thắt mà các doanh nghiệp phải chủ động tháo gỡ khi tính đến việc vay vốn từ ngân hàng.
Ông Lực cho rằng, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch theo đúng kế hoạch cam kết trả nợ, chấp nhận bán tài sản, nếu cần. Đồng thời, chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024, đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động như xem xét tạm dừng các dự án không cấp bách, ưu tiên các dự án đã cam kết với nhà đầu tư…. Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
"Khi gặp khó khăn và tìm được cách giảm bớt, cũng là điều kiện tất yếu để tăng sức khỏe của doanh nghiệp nhằm dễ dàng đáp ứng tốt hơn với các điều kiện của thị trường vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…", ông Lực cho hay.