Đột phá chính sách để phục hồi tổng cầu nhưng phải quản lý được dòng tiền và giữ tỷ giá
(DNTO) - Theo chuyên gia, sức cầu trong nền kinh tế đang rất yếu. Năm nay, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP tối đa, bên cạnh mở rộng chính sách tài khóa, việc nới lỏng chính sách tiền tệ thời điểm này là hợp lý, nhưng phải hết sức thận trọng, tránh để vô hiệu hóa, vì bài học nhãn tiền vẫn còn đó.
Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với nhiều gam màu không mấy lạc quan. Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, thấp nhất kể từ năm 2011 (ngoại trừ năm 2020 tăng 1,74%) là do sức cầu yếu.
Điều này quá rõ, cụ thể hơn là cả cầu xuất khẩu, cầu đầu tư và cầu tiêu dùng nội địa đều rất yếu. Đến tháng 6/2023, Chỉ số Quản trị Nhà mua hàng sản xuất Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50 điểm ở tháng thứ tư liên tiếp. Trong quý II/2023, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh; việc làm cùng với hoạt động mua hàng và niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến khả năng ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời.
Cầu tiêu dùng 6 tháng đầu năm (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ) tăng chưa đến 11%, trong khi cùng thời gian năm trước tăng 12,2%. Cầu nội địa năm nay còn được hỗ trợ bởi gần 5,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Nếu không tính phần này, thì cầu tiêu dùng nội địa của người Việt còn mờ nhạt hơn nữa. Với không ít doanh nghiệp hiện nay, nhu cầu về đơn hàng, về đầu ra của sản phẩm đang cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Do đó, việc nhận diện đúng thực trạng để hỗ trợ doanh nghiệp là vấn đề cần phải giải quyết. Nghị quyết 97/NQ-CP (ngày 8/7/2023) về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 đã khẳng định, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay tăng rất thấp (đạt 4,73%, cùng kỳ đạt 9,35%), trong khi nhu cầu về vốn tín dụng rất lớn, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới.
Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng, kịp thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh...
Theo đó, 4 lần hạ lãi suất điều hành và quyết định nới lỏng "room" tín dụng mới đây của NHNN được đánh giá là rất kịp thời nhằm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Lãi suất giảm, room tín dụng tăng, chắc chắn doanh nghiệp rất vui mừng, song các chuyên gia cho rằng, cần phải hết sức thận trọng, tránh đi từ trạng thái nọ sang trạng thái kia quá nhanh.
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế Việt Nam, cứ sau 5-7 năm, "bong bóng" tài sản lại xuất hiện. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ nới lỏng tín dụng quá mức, hệ lụy "bơm" vốn ra nền kinh tế, nhưng không kiểm soát chặt chẽ, khiến một lượng vốn lớn “chui” vào thị trường chứng khoán, bất động sản, thay vì "nắn dòng" vào những ngành sản xuất cần ưu tiên. Tương tự, cứ mỗi khi nới lỏng chính sách tài khóa vượt quá khả năng hấp thụ sẽ dẫn đến đầu tư công dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư công hiệu quả thấp và phải mất nhiều năm mới có thể xử lý được...
"Việt Nam cần phát triển công cụ tài khóa nghịch, không nên dựa vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn cầu yếu. Quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ của Chính phủ thời điểm này là hợp lý, nhưng phải hết sức thận trọng, vì bài học nhãn tiền vẫn còn đó", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận: Đối với chính sách tiền tệ, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi".
Ông Thành chỉ rõ: Hiện nay, có 3 rủi ro khi nới lỏng chính sách tiền tệ, đó là lạm phát, dòng tiền đi vào đâu và tỷ giá. Cách đây 1-2 tuần, có thời điểm tỷ giá đồng Việt Nam tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không phải chỉ vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỷ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn. Điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề, cho nên đây là một thách thức đối với NHNN.
"NHNN đang phải xử lý đồng thời các mục tiêu trái ngược nhau, nói cách khác, NHNN đang đứng trước ngã 3 đường trong thực thi chính sách tiền tệ: Lãi suất USD và Euro tăng và ở mức cao, tạo áp lực rất lớn tới việc NHNN phải tăng lãi suất để giữ giá trị VND, ổn định tỷ giá hối đoái", ông Thành nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình, chính sách tiền tệ không phải là "cây đũa thần" hữu hiệu trong dài hạn. Trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, lãi suất thấp chỉ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là vốn phải đến được với doanh nghiệp. Lãi suất thấp, mà điều kiện tiếp cận vốn khó khăn, thì không khác gì “mỡ treo, mèo nhịn”.
Do đó, muốn tăng được tốc độ tăng trưởng trung bình dài hạn thì cần thiên về các chính sách trọng cung, tức là cải thiện tổng cung tiềm năng bằng cách đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới; duy trì niềm tin của nhà đầu tư… luôn là mong mỏi nhiều năm nay của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời phải tìm cách giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai thác thị trường trong nước. Bởi rõ ràng, việc để doanh nghiệp phát triển trên một nền tảng vững chắc thì sẽ tạo "miễn dịch" giảm bớt sự “rung lắc” trước biến động từ bên ngoài.