Chính sách tiền tệ cần rút ngắn độ trễ còn 1-3 tháng mới kịp thời 'cứu' doanh nghiệp
(DNTO) - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ở thời điểm hiện tại, cần nỗ lực rút ngắn "khoảng trễ" của chính sách tiền tệ để doanh nghiệp kịp thời giảm được chi phí hoạt động. Bởi sự chờ đợi vô hình chung sẽ góp phần "bóp nghẹt" thêm thị trường.
Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thống nhất chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn". Tại Hội nghị mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), nhận định chủ trương này sát và rất đúng với nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.
Ông Tuấn ví von, doanh nghiệp như "mảnh ruộng đang khô hạn" và Chính phủ đang cố tạo nguồn nước để tưới mát. "Hoạt động kinh doanh rất cần vốn, như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn chắc chắn gặp khó khăn", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hiện dòng vốn với doanh nghiệp rất khó khăn, nhất là khi "cửa" vốn từ trái phiếu tắc, bồi thêm đơn hàng giảm, vay vốn ngân hàng lãi suất rất cao, "có lúc tới 14-15%, thì nói gì đến tích luỹ và phát triển". Hiện, nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó. Cần có những gói tín dụng "bơm" vào các ngành nghề cụ thể đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ví dụ như gói tín dụng 15.000 tỷ đồng "trợ lực" cho doanh nghiệp lâm, thủy sản mới đây mang ý nghĩa như vậy.
"Giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo tôi là chính sách rất trúng và cần thiết", ông Tuấn nhìn nhận.
Nêu quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam, cộng với trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15%, suy ra việc giảm mặt bằng lãi suất đồng nghĩa với giảm lãi suất cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
“Điều này rất quan trọng để lượng hóa, và đương nhiên tác động rất mạnh tới câu chuyện chi phí hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh.
Khẳng định còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, ông Lực phân tích, năm nay không quá lo về lạm phát. Vì thế nhìn về cuối năm, việc tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay là hợp lý.
Để củng cố niềm tin này, ông Lực đã chỉ rõ 3 luận điểm. Một là cung tiền, đến ngày 30/6 thì M2, cung tiền của chúng ta mới là 2.7%, thấp hơn so với mức 3.8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.
Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền 6 tháng đầu năm chỉ 0.67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền sẽ nhích tăng nhưng không đáng ngại.
Cuối cùng, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định, lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng gọi là "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam từ bên ngoài vào không còn đáng lo. Lạm phát của chúng ta có lẽ chỉ ở mức độ khoảng 3.5-4% là cùng.
Đặc biệt, ông Lực nhấn mạnh, độ trễ của chính sách tiền tệ mặc dù không thể tránh khỏi đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, song, ở thời điểm hiện tại cần “khai tử” các khái niệm “độ trễ chính sách”, “độ ngấm chính sách” để doanh nghiệp kịp thời giảm được chi phí hoạt động. Bởi sự chờ đợi vô hình chung sẽ góp phần bóp nghẹt thêm thị trường.
"Thời điểm hiện nay mong muốn độ trễ ngắn hơn, bình thường khoảng 3 - 6 tháng, giờ đề nghị chỉ khoảng 1 - 3 tháng, nhanh nhất có thể. Bắt đúng bệnh, có thuốc nhưng phải uống đúng lúc", TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Đồng thời nhấn mạnh, để cố gắng rút ngắn nhất “khoảng trễ”, Ngân hàng Nhà nước phải "lệnh" cho các ngân hàng thương mại cố gắng tìm các giải pháp cắt giảm chi phí, thậm chí "hy sinh" bớt một phần lợi nhuận, lấy khoản này bù khoản khác để có thể đưa lãi suất cho vay giảm sớm hơn nữa trong thời gian tới.