Thống đốc NHNN: 'Vượt bão' khó khăn, tín dụng tăng 4,73%, lãi vay đã giảm tới 3%/năm
(DNTO) - Hiện các ngân hàng thương mại đang điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới, kỳ vọng người vay phần nào sẽ "nhẹ gánh", trả nợ.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, sáng 15/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, cho biết về điều hành lãi suất, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Theo đó, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
"Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới", Thống đốc thông tin.
Về nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Trước đó, ngày 28/6/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 06 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng. Trong đó có nới lỏng hơn về điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.
Thống đốc cho biết thêm, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 02 ngày 23/4/2023 quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng.
“Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát”, Thống đốc cho hay.
Bên cạnh tín dụng thương mại, NHNN tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, các đối tượng chính sách khác và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả, đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022
Trong nửa cuối năm, theo lãnh đạo NHNN, điều hành chính sách tiền tệ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, giải pháp được Thống đốc nhấn mạnh là tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, NHNN sẽ tập trung đôn đốc các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Với lĩnh vực bất động sản, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển...