Hàng loạt động lực từ chính sách được kỳ vọng là 'liều thuốc' kích cầu 'cứu' doanh nghiệp
(DNTO) - Việc lương cơ bản tăng và giảm nhiều loại thuế, phí, kỳ vọng sức mua thay vì "co cụm" phòng thủ, sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, để tăng trưởng GDP của Việt Nam có bước ngoặt lớn, vẫn phải chờ thêm động lực để đột phá.
Doanh nghiệp "ngóng" dòng tiền trở lại
Thẳng thắn mà nói, các chỉ số lạc quan về tăng trưởng dường như "quá xa lạ" trong bối cảnh doanh nghiệp điêu đứng, bình quân mỗi tháng có đến 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, người lao động mất việc, cửa hàng, cửa hiệu trả lại mặt bằng, các con phố ăn chơi mua sắm sầm uất nay ảm đạm thấy rõ. Ngân hàng thì phát mại vô số tài sản cầm cố, nhỏ là ô tô, lớn nhà cửa, nhà hàng, khách sạn…
Trong bối cảnh nền kinh tế "ngấm đòn", lương cơ sở tăng là tin mừng đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức... cộng thêm việc giảm 36 loại phí, lệ phí từ 10 – 50%, đặc biệt là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Hàng loạt chính sách quan trọng này đều có hiệu lực từ ngày 1/7, đã giải tỏa ngay lập tức vấn đề về giá cả đang kìm kẹp nhu cầu tiêu dùng suốt thời gian qua cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ, khi chịu "hi sinh" 24.000 tỷ, để tạo động lực kích thích sức mua trong 6 tháng cuối năm.
Nhìn lại năm 2022, khi "áp" thuế VAT đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không những không giảm mà còn tăng mức ấn tượng 10% so với cùng kỳ.
"Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực của sự phát triển. Nếu doanh nghiệp "khỏe mạnh" sẽ đảm bảo thanh toán được nợ ngân hàng và nợ trái phiếu, cũng như đóng bảo hiểm, nộp thuế đầy đủ. Như vậy, chính sách tài khóa sẽ ngày một vững mạnh, nên các hành động của chúng tôi đều hướng về doanh nghiệp để quyết liệt tháo gỡ những khó khăn", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định tại phiên họp của Tổ Điều hành ngày 30/6.
Một khảo sát mới công bố của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp đang rất chật vật. Có tới 30-50% doanh nghiệp xuất khẩu cầm chừng do thiếu đơn hàng. Doanh thu của các ngành sản xuất chủ lực đều sụt mạnh, trong đó, ngành da giày, may mặc giảm 30-35%; ngành gỗ giảm 30%; cao su – nhựa giảm 20%. Riêng ngành thép có doanh số giảm tới 40-50%; 95% là doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và hàng tồn kho lớn.
Thực tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn ở khâu nhập nguyên vật liệu cũng như đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, khi áp giảm thuế VAT, 20% nguồn nguyên vật liệu được khấu trừ, doanh nghiệp sẽ nhẹ gánh hơn cho chi phí sản xuất, cân đối được ngân sách, có cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh chiến lược tiêu thụ sản phẩm.
"Rút kinh nghiệm lần giảm thuế trước, lần này đã có sự hướng dẫn, rút kinh nghiệm hơn khi quy trình gọn lại, đơn giản, dễ làm và thậm chí dễ kiến nghị hơn nếu tiếp cận ở phía doanh nghiệp. Nên tôi tin là chính sách lần này sẽ "vào" nhanh hơn", TS Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) đánh giá.
Vẫn chưa thể là “cây đũa thần”?
Không thể phủ nhận hiệu ứng lan tỏa từ chính sách giảm 2% thuế VAT. Song, chiếc "phao cứu sinh" này xuất hiện khá muộn, nên theo các chuyên gia, số thuế giảm này liệu có trở thành động lực "bứt phá" như kỳ vọng hay không cần có thời gian để kiểm chứng. Nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đã "lún sâu" từ hai quý cuối năm 2022 kéo dài cho đến tận quý III mới áp dụng thì khó tạo được "cú hích" mạnh mẽ tạo vòng xoáy tăng trưởng kinh tế mới.
Khảo sát thị trường mới đây của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MayBank (MBKE), với người tiêu dùng ở TP.HCM khi bước vào quý 3/2023 cho thấy, nhiều người sẽ thắt chặt "hầu bao" trong những tháng tới, những mặt hàng không thiết yếu sẽ không phải ưu tiên trong lúc này.
Tính đến ngày 15/6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 3,36% so với đầu năm – mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lãi suất cao, thủ tục cho vay còn vướng víu làm cho thị trường tiêu dùng nội địa khó phục hồi...., chưa kể, chính sách giảm thuế VAT dù đóng vai trò rất quan trọng trong việc kích cầu thị trường. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách chỉ áp dụng đối với một số dịch vụ hàng hóa, chưa kể thời gian áp dụng chính sách này quá ngắn, chỉ thực hiện trong 6 tháng, chưa đủ có hiệu quả và tác động sâu vào nền kinh tế.
Chính vì để tránh những “hố đen” kìm hãm sức mua trên thị trường tiêu dùng nội địa trong nửa cuối năm nay, giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là Chính phủ cần sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, với công cụ giải cứu “trọn gói” kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
"Trong tình hình nỗi lo hàng tồn kho đè nặng lên doanh nghiệp xuất khẩu, bên cạnh việc giảm thuế, việc tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0% sẽ giúp cho doanh nghiệp và người dân mạnh dạn vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng", các chuyên gia phân tích HSBC nhận định.