Dù giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, thu ngân sách vẫn vượt dự toán hơn 285.000 tỷ đồng
(DNTO) - Vượt thu hơn 24% dự toán pháp lệnh, ngành thuế năm nay đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, cán đích sớm 1 tháng và cao hơn số ước thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, chiều 15/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022 tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán pháp lệnh vượt 285.200 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán Pháp lệnh (vượt 149.657 tỷ đồng), tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.
Đặc biệt, 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, nhất là 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…
Có 16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,7%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; Thuế thu nhập cá nhân tăng 24,6%; Lệ phí trước bạ tăng 21,3%; Thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%...
Cùng với đó, có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đã cán mốc thu trên 300.000 tỷ đồng; thu từ khối doanh nghiệp lớn do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cán đích trên 245.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan Thuế tiếp tục lưu ý đến vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời nhấn mạnh, vốn với doanh nghiệp là vấn đề rất lớn trong năm sau. Nếu tiếp tục được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Vì được chậm nộp tiền thuế và tiền thuê đất được hiểu là doanh nghiệp được sử dụng khoản tiền không lãi suất.
Do vậy, để các hoạt động sản xuất - kinh doanh không lỡ đà phục hồi, Bộ Tài chính sẽ xem xét đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài các chính sách miễn, giảm thuế để áp dụng ngay từ đầu năm 2023.
Dự toán thu ngân sách năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng, cho hay, Quốc hội, Chính phủ giao "đề bài" cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng; trong đó, thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng, thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 dự báo tiếp tục có những diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến "sức khỏe" của doanh nghiệp và đời sống người dân. Vì vậy, ngành thuế đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Cùng với đó, rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng khẳng định tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong quản lý thuế, đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin về hóa đơn điện tử...