Tăng thu ngân sách thời 'bão giá' có là điều đáng mừng?
(DNTO) - Chỉ sau 1/2 chặng đường, nhiều khoản thu, sắc thuế băng băng về đích với thặng dư gần 220.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong bối cảnh vật giá leo thang dồn dập, ngân sách lại được "hưởng lợi", niềm vui ấy cũng không mấy mặn mà.
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Tài chính”, chiều nay, 7/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 932.900 tỉ đồng, bằng 66,1% dự toán năm và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu nội địa đạt 744.000 tỉ đồng, tăng 15,8%; thu từ dầu thô đạt 34.200 tỉ đồng, tăng 80,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 154.500 tỉ đồng, tăng 25,5%.
Trong đó có một số nguồn thu thể hiện sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trên cả nước như thuế giá trị gia tăng tăng 15,6%, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021.
"Đặc biệt, một số ngành có mức tăng thu đột biến có thể kể đến là dầu thô khi giá dầu bình quân ước đạt 100,4 USD/thùng, vượt đến 67,3% so với dự toán, mặc dù sản lượng lại giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Hay như cả nước xuất siêu trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch 710 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỉ USD. Điều này khiến cho số thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng gia tăng", ông Phớc cho hay.
Thông tin cụ thể về kết quả thu ngân sách do ngành thuế quản lý, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, lạc quan chia sẻ rằng những tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.
Nhờ đó, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 741.145 tỷ đồng, bằng 64,6% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá chi tiết về tiến độ các chỉ tiêu, khu vực thu, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, 6 tháng đầu năm, có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá trên 55%.
Thấy gì từ ngân sách tăng?
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nền kinh tế có độ trễ, hiện nay giá cả đang tăng lên, xăng dầu cũng mới chỉ tác động vòng 1, còn vòng 2, vòng 3 sẽ là tác động vào lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Điều này đè nặng sức ép lạm phát những tháng cuối năm.
Cùng với đó, do nhiều sắc thuế tính trên tỷ lệ phần trăm nên khi giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng lên do "bão giá" cũng khiến số thu thuế cũng tăng theo, vì vậy, tăng thu ngân sách không hẳn là điều đáng mừng.
Để giải bài toán ổn định kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), nhấn mạnh, hiện nay có 2 vấn đề Chính phủ cần lưu ý, đó là dùng thặng dư ngân sách nhà nước để hỗ trợ bình ổn lạm phát. Đây vừa là chính sách an sinh, vừa giúp ổn định tinh thần người lao động trong các khu công nghiệp đang cần ổn định để tăng tốc sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, có dự phòng cho những rủi ro. “Trước mắt, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, theo tôi, phải giảm giá xăng dầu. Cụ thể, sau thuế bảo vệ môi trường sẽ được giảm từ ngày 11/7 tới đây qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua, phải sớm giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu để giá cả hàng hóa, chi phí của doanh nghiệp không còn tăng như thời gian qua”, ông Việt chia sẻ.
Sau khi dư luận và nhiều cơ quan, hiệp hội, các chuyên gia đồng loạt lên tiếng, mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cụ thể việc đề xuất mức giảm bao nhiêu cho hai loại thuế thì vẫn chưa được tiết lộ.
Song theo tính toán của Bộ Tài chính, ước tác động của giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường lần này sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 "hạ nhiệt" khoảng 0,16%.
Rõ ràng, cửa thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay "phình ra", phần lớn nhờ nguồn thu từ dầu thô. Song song đó, các khoản thu liên quan đến xăng dầu tiêu dùng trong nước như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu cũng đã tăng thêm vài ngàn tỉ đồng khi giá dầu thế giới liên tục leo thang.
Muốn “cái bánh” này to ra thì quan trọng là hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây chính là dư địa để Chính phủ mạnh dạn giảm các loại thuế đối với hàng hóa thiết yếu này. Dầu thô cũng như các loại tài nguyên là sở hữu toàn dân. Ngân sách được hưởng lợi từ đó thì phải dùng để hạ nhiệt giá xăng dầu trong bối cảnh giá hàng loạt hàng hóa đều gia tăng.
Đây là gói hỗ trợ tốt nhất, thiết thực nhất và toàn bộ người dân lẫn nền kinh tế được hưởng lợi. Việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ ngay lập tức có tác động lan tỏa đến hoạt động của nhiều ngành nghề, từ đó sẽ góp phần vào sự phục hồi, phát triển của kinh tế trong năm nay.