'Nóng' bài toán thu - chi ngân sách
(DNTO) - Trong bối cảnh giá nhiên liệu và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến chi phí sản xuất kinh doanh bị đội giá. Cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... có thể là tác nhân "đe dọa" thu ngân sách trong thời gian tới.
Xử lý "lỗ hổng" gây thất thoát nguồn thu
Mặc dù luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 645 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần nửa chặng đường. Tuy nhiên, vẫn còn những mối lo có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách như giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao đè nặng chi phí sản xuất kinh doanh và hụt thu từ các chính sách hỗ trợ...
Bộ Tài chính cho hay, việc triển khai thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến số thu ngân sách.
"Do thực hiện một số chính sách hỗ trợ còn hiệu lực từ năm 2021 và thực hiện một số chính sách hỗ trợ mới của năm 2022, ngân sách ước tính giảm khoảng 14.674 tỷ đồng", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết.
Cụ thể, với chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, tổng số thuế ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 50% và giảm 70% đối với mặt hàng dầu hỏa sẽ làm nguồn thu ngân sách giảm trên 20.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, nợ thuế có xu hướng tăng. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm. Đầu tư công nhiều vướng mắc. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến 50% không có tài sản thế chấp nên cần thanh tra, kiểm toán phải vào cuộc chấn chỉnh ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
"Cùng với đó, thị trường chứng khoán tăng nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro do quản lý chưa tốt. Công tác tham mưu còn hạn chế, nhất là dự báo, tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vẫn phổ biến, phức tạp với mức độ nghiêm trọng. Trong đó, những khoản chênh lệch rất lớn giữa giá trị sử dụng đất trước và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trước và sau khi bán tài sản nhà nước… gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước.
“Nhà nước đang bị thất thoát kép, dù không phải tất cả các vụ án đều gây thất thoát đến mức nghiêm trọng, nhưng chắc chắn ở đó tồn tại những kẽ hở tạo ra những lợi ích khủng khiếp làm thất thoát tài sản của nhà nước. Thất thoát ngân sách nhà nước bằng cách biến tài sản nhà nước thành của cá nhân hay một nhóm cá nhân. Đặc biệt ở đây tạo ra môi trường “rất tốt” để dung dưỡng cho tham nhũng hối lộ, lợi ích nhóm, chiếm đoạt tài sản nhà nước”, chuyên gia Vũ Đình Ánh cảnh báo.
Nêu quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Chủ tịch VTCA cho biết, chính sách điều tiết thu ngân sách Nhà nước từ thuế, phí và các khoản thu điều tiết khác đối với đất đai, bất động sản chưa khi nào "nóng" như thời điểm hiện tại.
"Chính sách điều tiết về đất đai hiện nay là phức tạp và đa dạng nhất so với chính sách điều tiết thuế, phí, thu ngân sách nhà nước nói chung. Hiện, các vấn đề liên quan đến bất động sản đang rất nóng, đặc biệt là các tập đoàn lớn như FLC, Tân Hoàng Minh… Vậy làm thế nào để không thất thu ngân sách mà không ảnh hưởng làm đóng băng thị trường cũng là một trong những thách thức lớn", bà Cúc nói.
Tìm cách cân đối “túi tiền” quốc gia
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì việc cân đối ngân sách thực sự là một bài toán khó, để vừa đảm bảo nguồn thu, vừa nuôi dưỡng sức phục hồi cho doanh nghiệp.
Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác tài chính ngân sách mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng, bước sang năm 2022, ngành tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu.
"Về thu ngân sách nhà nước, cần cố gắng tăng cường công tác thu để bù vào 67 nghìn tỷ đồng giảm thu do miễn giảm thuế", Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Để tìm cách bù đắp số thu giảm, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.
Đánh giá thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách, tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề.
“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.
Mới đây, để đưa đất vào khai thác hiệu quả, vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo được nguồn thu lớn, ổn định, bền vững cho ngân sách, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), đã kiến nghị đánh thuế đối với các khu đất, dự án bỏ hoang thật cao để chủ đầu tư không thể ôm nổi, phải xoay nguồn vốn để đầu tư hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác có năng lực.
"Không thể hành chính hóa mà nên dùng công cụ thuế để triệt tiêu ý chí đầu cơ, găm giữ đất đai… gây lãng phí”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
"Mặt tích cực của việc đánh thuế bất động sản là tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường nhà ở công bằng, minh bạch hơn. Do đó, việc ban hành thuế mức thuê cao, hướng đến việc chống đầu cơ Nhà đất là cần thiết. Như vậy, có thể khẳng định, việc đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", ông Châu nhận định.