GS. Nguyễn Mại: Không nên chỉ tính thu chi ngân sách, cần coi trọng vấn đề phục hồi kinh tế
(DNTO) - Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không nên chỉ tính tới thu chi ngân sách, mà cần coi trọng vấn đề phục hồi kinh tế, hướng tới lợi ích dài hạn.
Tại diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội", diễn ra ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh…
"Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài", ông Phớc cho hay.
Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh, bộ cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị định số 15 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, và áp dụng ngay từ ngày 1/2/2022. Chính sách này được ban hành từ rất sớm. Dự kiến năm 2022 giảm thuế, phí, lệ phí tối đa lên đến 64.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính đối với cộng đồng doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về gói kích cầu thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ trưởng Tài chính cho biết, gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong 2 năm (2022-2023), đòi hỏi các chương trình, kế hoạch phải thực hiện nhanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phân tích thêm về việc giá xăng tăng, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ Tài chính không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính nêu quan điểm: Kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, giảm thuế chỉ là một phần nhỏ.
Ngoài giải pháp thuế, còn phải tính toán bảo đảm tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, bảo đảm nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và một số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.
"DN cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính, do đó với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với DN", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến về chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, nên có luật quy định chặt chẽ về thủ tục hành chính, ví dụ giới hạn 2.000 hay 3.000 thủ tục hành chính, tránh trường hợp phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết. Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài nhận được nhiều phản ảnh của các doanh nghiệp nước ngoài. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã có những thay đổi, nhưng thực tế doanh nghiệp thấy thủ tục vẫn rất phức tạp, còn hiện tượng nhũng nhiễu.
GS. Nguyễn Mại nêu quan điểm không nên chỉ tính tới thu chi ngân sách, mà cần coi trọng vấn đề phục hồi kinh tế, hướng tới lợi ích dài hạn.
Phân tích thêm về những chính sách miễn, giảm thuế, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Cơ quan thuế đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời, ngày 28/3/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo 2 nghị định nói trên.
Hiện nay, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, đang hoàn thiện dự thảo nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2022. "Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính", đại diện cơ quan thuế chia sẻ thông tin.