'Ép' lạm phát giữ mức 4%, liệu có sát thực tế?
(DNTO) - Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, lạm phát năm 2022 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, dưới mục tiêu đề ra là 4%. Song, không thể phủ nhận, hiện tại "cơn sốt" giá nguyên, nhiên liệu và hàng hóa cơ bản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến con số này rất dễ bị lung lay.
Lạc quan với lạm phát dưới 4%
Chia sẻ tại "Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2022", sáng nay, 5/7, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng phòng Chính sách - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhấn mạnh: Mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược.
CPI tháng 6.2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
"Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3-3,9%", Cục Quản lý giá nhận định.
Giải thích về chỉ số dự báo lạm phát nói trên, theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, do trong 6 tháng cuối năm 2022 thị trường và giá cả ở Việt Nam xuất hiện những nhân tố "lạc quan" kiềm chế tốc độ tăng CPI.
Thứ nhất, trên thế giới, tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) sẽ còn diễn biến phức tạp, tương lai cuộc chiến Nga - Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như 6 tháng đầu năm.
Thứ hai, ở trong nước, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan. Điều này cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…), ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
Thứ ba, ở điều hành kinh tế vĩ mô, Việt Nam hiện vẫn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.
“Chúng ta không nên thấy một vài mặt hàng tăng cao mà cho rằng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng phải tăng 10 - 20%. Điều đó là không đúng”. Các mặt hàng khác cũng tăng giá nhưng tác động không nhiều bằng xăng dầu.
Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá. Nhờ vậy mà chúng ta đã kéo giảm chỉ số CPI, kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%. Chỉ số CPI này đã phản ánh đúng thị trường giá cả 6 tháng đầu năm của chúng ta”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định; Giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá sẽ góp phần "hạ van" lạm phát.
"Để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng”, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh đánh giá.
Liệu có sát thực tế?
Đánh giá kinh tế 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng song TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng thẳng thắn chỉ rõ, 6 tháng cuối năm, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.
"Đặc biệt, chỉ số CPI hiện nay khá thấp (2,44%) nhưng có lẽ chưa phản ánh đúng bởi thực tế là giá nhiều mặt hàng hóa thiết yếu đang tăng khá mạnh", ông Phương cho hay.
Đưa ra hai dự báo về kịch bản tăng CPI 6 tháng cuối năm, ông Phương cho rằng, với kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%.
Kịch bản 2, theo TS Lê Quốc Phương, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4% là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Kiến nghị các biện pháp bình ổn giá từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia đề nghị cần thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát linh hoạt, chủ động.
Để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, theo TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), cho biết tăng trưởng vẫn là mục tiêu cần đạt được nhất, để giúp nền kinh tế cân bằng. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tập trung kích thích tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại mức sản lượng tiềm năng.
"Tài khóa là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá ở mức 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm. Tức là Việt Nam cần theo đuổi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ giai đoạn này, chấp nhận bội chi cao để ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, nhóm lưu ý, chính sách này chỉ hợp lý khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả", ông Thắng nêu quan điểm.
Ngược lại, chính sách tiền tệ được nhìn nhận không nên quá tập trung do dư địa không còn nhiều, việc giảm lãi suất khó khăn... "Điều cần làm lúc này là Chính phủ chú trọng chuyển hướng dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản để tránh rủi ro lạm phát", ông Thắng nhận định.