Áp lực lạm phát đang 'nóng' từng ngày, cách nào hạ nhiệt?
(DNTO) - Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang chịu tác động rất lớn từ việc giá nhiên liệu đang trong xu hướng tăng và thiết lập mức cao kỷ lục, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Năm 2022, Việt Nam đặt ra mục tiêu CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế, việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2/2022 tăng 1,42% so với cùng kỳ 2021, cho thấy áp lực lạm phát cả năm rất lớn. Đặc biệt, hiện nay, giá xăng, dầu hiện nay ở mức cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân; tác động tới các ngành vận tải, làm tăng chi phí lưu thông, đẩy chi phí sản xuất doanh nghiệp lên cao, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn với lạm phát thời gian tới.
Khảo sát tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh cho thấy, giá hàng hoá bắt đầu tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả, dao động tăng từ 10-20.000 đồng/kg.
Tại chợ Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội), giá dưa chuột ở mức 30.000 đồng/kg, cà chua 35.000 đồng/ kg, súp lơ có giá 50.000 đồng/cây (tăng 10.000 đồng/kg); cải canh giá 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg)...
Không riêng rau xanh tăng giá, các loại thịt và hải sản cũng leo lên mức giá mới. Cụ thể, giá thịt nạc vai, ba chỉ, sườn thăn… lên tới 150.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng so với trước. Giá cá trắm đen 150.000 đồng/kg, cá trắm trắng 90.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng/kg -15.000 đồng/kg so với thời điểm 2 tuần trước...Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 250-350.000 đồng/kg. Gà ta nguyên lông cũng lên 140-150 nghìn đồng/kg, tăng 15-25.000 đồng/kg.
Giá cả leo thang khiến người dân đi chợ như bị “móc túi”, chị Nguyễn Thị Minh (Long Biên – Hà Nội) cho biết, chỉ trong vòng một tuần, giá lương thực, rau củ quả đã tăng chóng mặt. "Cầm 500.000 đồng đi chợ, nếu như trước kia thì phải 1 tay xách nặng, còn nay “vèo” cái đã hết mà chưa mua được đồ mình muốn. Giá xăng tăng cùng với đó là dịch bệnh bùng phát khiến cho thị trường giá cả “té nước theo mưa”, chị Minh trần tình.
Theo nhận định của các chuyên gia, lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá xăng dầu tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cho rằng, xung đột chiến sự Nga - Ukraine cũng sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm gia tăng lạm phát, sẽ tạo sức ép cho Việt Nam trong ngắn hạn. Đặc biệt khi ta đang thực hiện hàng loạt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6-6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức không nhỏ.
Ở góc độ vi mô, giá dầu tăng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng như phân bón, sản phẩm hóa chất, than đá... Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, trong đó là các ngành như nông sản, lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp...
"Khi lạm phát trên toàn cầu tăng sẽ làm cho tiêu dùng vốn đang phục hồi yếu ớt bị thu hẹp lại, sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ giải ngân các gói phục hồi kinh tế của Việt Nam nếu ta không có biện pháp ứng phó chủ động", ông Phú khuyến cáo.
Ghìm đà tăng lạm phát như thế nào?
Từ những áp lực ảnh hưởng đến mục tiêu CPI khoảng 4% của nước ta, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để chặn "bóng ma" lạm phát, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến những yếu tố sau:
Đầu tiên là sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác đặc biệt là các ngành như điện tử, đệt may da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất, …
"Cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia", ông Phú nhận định.
Cùng với đó là, khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.
Yếu tố thứ 2 cần quan tâm đến đó là cầu tiêu dùng. Sau một thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được bung ra một cách mạnh mẽ hơn, làm cho nhu cầu mua sắm du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kì mua sắm tăng lên bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch. Chính yếu tố này sẽ tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch, trong đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa.
Yếu tố thứ 3 được nhấn mạnh đó là, nói đến lạm phát không thể không nói đến vai trò của hệ thống phân phối quốc gia. kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch, một khi các chợ truyền thống kể cả chợ đầu mối, siêu thị bị tạm thời đóng cửa với số lượng lớn, thì việc đảm bảo cho tiêu dùng bị gián đoạn.
Trong khi đó, hàng hóa nhất là hàng nông sản không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra những hiện tượng đầu cơ nâng giá làm cho giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả và túi tiền của người tiêu dùng bị xâm hại một cách vô lý.
“Chính vì vậy cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa một cách vững chắc, bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, không ép cấp ép giá, chiết khấu. Kiên quyết xử lý những hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên một cách vô lý trên thị trường”, ông Phú nhận định.
Về mặt vĩ mô, theo ông Phú, Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Thu chi ngân sách đúng kế hoạch và hiệu quả. Tiếp tục mở rộng đầu tư công nhất là cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt các thủ tục hành chính cùng chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. Xây dựng bộ máy hành chính phục vụ nhân dân trong sạch, vững mạnh. Khơi dậy lòng yêu nước, ý chí vươn lên trong các vị trí, nhiệm vụ được giao. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, tính nhân văn, chia sẻ trong cộng đồng các doanh nghiệp và trong xã hội: “Rủi ro chia sẻ, lợi nhuận hài hòa" như chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ.
“Làm tốt những vấn đề trên chắc chắn chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 sẽ có khả năng chỉ dao động trong khoảng 2,7-3,5% góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước”, ông Phú kỳ vọng.