Dòng chảy xăng dầu lậu tiếp tục 'ăn mòn' chuỗi cung ứng trong nước
(DNTO) - Xăng dầu lậu - ‘kẻ chen ngang’ trong chuỗi cung ứng xăng dầu là một trong những nguyên nhân làm tăng sự gián đoạn nguồn cung trong những ngày vừa qua.
Thẩm lậu xăng dầu vẫn nóng
Ngay trong đầu năm 2022, hàng loạt vụ vận chuyển, kinh doanh xăng dầu lậu được phát giác đã cho thấy kẽ hở rất lớn trong ngành vẫn chưa được xử lý triệt để.
Điển hình là vụ việc phát hiện 170.000 lít xăng, dầu lậu vào ngày 5/1, trên khu vực biển giáp ranh giữa Hải Phòng - Quảng Ninh. Hay mới đây, Công an Đồng Nai hoàn tất kết luận điều tra đường dây 200 triệu lít xăng giả, trị giá gần 2.800 tỉ đồng và đề nghị truy tố 74 bị can về các tội buôn lậu, nhận hối lộ. Tại Bến Tre, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kém chất lượng cũng vừa bị xử phạt trên 320 triệu đồng.
Thực tế, tình trạng vận chuyển, kinh doanh xăng dầu lậu luôn là vấn đề nhức nhối trong chuỗi cung ứng xăng dầu trong nhiều năm qua. Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu.
Tại Việt Nam, ở kì điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng RON95 chạm mức 26.834 đồng/lít (khoảng 1,18 USD/lít), cao hơn so với giá xăng dầu tại các nước trong khu vực như Indonesia là 0,88 USD/lít, Malaysia 0,48 USD/lít, Campuchia 1,15 USD/lít (theo dữ liệu Globalpetrolprices cập nhật đến ngày 28/2).
Xăng, dầu tăng cao đã khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Điển hình như trong lĩnh vực khai thác thủy sản, trong khi giá thủy sản xuống thấp, chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng đã khiến một bộ phận người dân tìm đến nguồn cung bất hợp pháp. Theo cơ quan chức năng, đây là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam nước ta gia tăng trong những tháng đầu năm.
Theo chuyên gia, hiện giá xăng Việt Nam chưa tương quan với thu nhập, bởi Việt Nam ở trong nhóm có thu nhập thấp, nhưng giá xăng dầu cao. Bởi lẽ, theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá xăng dầu cao hơn; còn các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giá thấp hơn đáng kể, ngoại trừ Mỹ.
Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch. Điều này là một nguyên nhân gây ra thẩm lậu xăng dầu.
Chuỗi cung ứng bị làm lũng đoạn ra sao?
Hiện Việt Nam đang có khoảng 40 thương nhân, doanh nghiệp đầu mối được cấp phép xuất nhập xăng dầu. Dưới mỗi một đầu mối là hệ thống hàng chục cây xăng lớn nhỏ. Trong khi đó, ở nhiều nước châu Á, số lượng đầu mối xăng dầu chỉ bằng ¼ Việt Nam.
Trong khi đó mặt hàng xăng dầu tại Việt Nam chịu các loại thuế, phí tương đối lớn, chiếm đến 50-60% giá bán lẻ cơ sở. Do vậy, các đối tượng kinh doanh xăng dầu nhập lậu khi trốn tránh được các loại thuế này đã là siêu lợi nhuận, chưa kể việc pha trộn hóa chất để làm xăng dầu kém chất lượng, đưa vào hệ thống bán lẻ, sẽ đem lại những món lợi khổng lồ.
Thực tế cho thấy, việc mua bán xăng, dầu lậu thời gian qua thường xảy ra trên vùng biển khu vực phía Nam, nơi giáp ranh giữa nước ta với các nước trong khu vực.
Thời gian qua, khi các cơ quan quản lý siết chặt việc kiểm tra kinh doanh xăng dầu, hàng loạt vụ kinh doanh, vận chuyển xăng dầu lậu bị phanh phui, thì nguồn cung xăng dầu lậu vì thế bị gián đoạn.
Cùng với việc nguồn cung xăng dầu trong nước bị cắt giảm do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất, đã gây nên tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, chủ yếu là các tỉnh phía Nam trong thời gian qua.
“Một số đơn vị đã quen với việc lấy xăng dầu lậu giá rẻ, bán ra nhiều lợi nhuận, giờ quay lại lấy nguồn xăng dầu chính thống, giá bán ra cao trong khi giá chiết khấu giảm do nguồn cung giảm, đương nhiên họ sẽ chỉ nhập cầm chừng hoặc không nhập hàng. Đó là một nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung”, ông Trần Anh Phú, đại diện đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Bắc Ninh, nói với Doanh Nhân Trẻ.
Hiện nay, việc kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ và khối lượng, trữ lượng của xăng dầu thuộc quyền hạn của ngành công an, quản lý thị trường, nhưng việc xác định chất lượng xăng dầu thuộc về ngành khoa học công nghệ, hay đấu tranh sang chiết xăng dầu lậu trên biển lại chủ yếu do bộ đội biên phòng đảm nhiệm. Do vậy, nếu sự phối hợp liên ngành còn lỏng lẻo thì sẽ còn những kẽ hở cho đối tượng lợi dụng, trục lợi.
PGS. TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia năng lượng đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, hành vi thẩm lậu xăng dầu luôn là nguy cơ làm mất cân bằng cung – cầu một cách cục bộ, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Vì vậy, cơ quan quản lý thị trường phải có chế tài đủ sức răn đe để quản lý các hành vi thẩm lậu hay bao che cho các hành vi thẩm lậu.
“Đây là việc cần làm thường xuyên chứ không chỉ làm ở lúc thị trường xăng dầu căng thẳng như hiện nay”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.