Giảm thuế, phí xăng dầu: Phải chấp nhận giảm thu ngân sách để kiềm chế lạm phát, tăng trưởng GDP
(DNTO) - Giá xăng dầu tăng kéo theo giá cả hàng hóa rục rịch tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân và khả năng kiềm chế lạm phát, tăng trưởng GDP. Việc giảm giá xăng dầu vì vậy cần cân bằng được tất cả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chứ không chỉ là đảm bảo thu ngân sách.
Giá xăng dầu tăng 10%, GDP giảm 5%
Các dự báo đều cho rằng giá dầu trên thế giới tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, có thể đạt mức vượt ngưỡng 100 USD/thùng, thậm chí đạt tới mức 125 USD/thùng.
Và Việt Nam, một nước vẫn phải nhập khẩu 30-40% xăng dầu, đương nhiên sẽ không nằm ngoài sự ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới. Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 5 đợt điều chỉnh, với mức tăng khoảng 3.000 đồng/lít, và hiện xăng RON95 vượt mức 26.000 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.
Giá xăng dầu tăng cao là một trong những yếu tố đẩy giá các mặt hàng trên thị trường tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%.
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác) thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90% và tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%.
Đặc biệt, với hai lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu như ngành vận tải và khai thác thủy sản xa bờ, nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng lần lượt là 3,5%-4,0% và 5,0%-6,0%.
Kiên quyết phải giảm thuế, phí xăng dầu
Để giảm áp lực từ việc tăng giá xăng dầu, từ trước đến nay, Việt Nam đều sử dụng công cụ là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua, việc chi quỹ BOG liên tục và ở mức cao đã khiến quỹ này âm tới hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, việc điều tiết giá xăng dầu nếu chỉ thông qua dòng ra và dòng vào của Quỹ BOG là rất khó khăn.
Về phía Bộ Công thương – đơn vị nằm trong liên bộ Tài Chính – Công thương, nơi chịu trách nhiệm trực tiếp về điều hành xăng dầu, kiên quyết với quan điểm nên cân nhắc giảm thuế, phí xăng dầu.
Còn phía Bộ Tài chính cho rằng tại Việt Nam, tỷ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới có tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu khoảng 45-60% (trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn). Hiện giá xăng dầu trên thị trường thời gian gần đây lại có xu hướng diễn biến phức tạp nên chính sách thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu so sánh với những quốc gia láng giềng, đặc biệt những quốc gia có khai thác dầu mỏ như Việt Nam, thì giá xăng nước ta đang cao hơn rất nhiều. Ví dụ như ở Malaysia chỉ có 0,498 USD/lít hay Indonesia là 0,887 USD/lít. Trong khi đó giá xăng RON 95 của Việt Nam đã vượt mức 26.000 đồng/lít (1,15 USD/lít). Như vậy, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước có thu nhập thấp nhưng giá xăng dầu lại cao, điều này là không phù hợp.
Cân nhắc được – mất
Cách đây 3 hôm, 22/2, Thủ tướng Chính phủ phát đi Công điện số 160, yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan phải quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ mặt hàng xăng dầu, vì đây là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Theo các chuyên gia đánh giá, yêu cầu trên của Thủ tướng Chính phủ là rất đúng đắn để điều tiết giá xăng dầu, không chỉ trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn sang nước láng giềng là Thái Lan, để giảm áp lực cho nền kinh tế từ việc giá xăng dầu liên tục tăng sốc, Nội các Thái Lan thông qua việc cắt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel còn ở mức 3 Bạt/ lít từ mức 5.99 Bạt/ lít trong thời hạn 3 tháng. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang sử dụng Quỹ Dầu nhằm bình ổn giá dầu ở mức 30 Bạt/ lít.
Mặc dù việc cắt giảm này sẽ khiến doanh thu Cục thuế Thái Lan giảm 17 tỉ Bạt, nhưng đổi lại sẽ giảm mức ảnh hưởng giá dầu ở mức cao đối với hàng hóa tiêu dùng và vận tải trong nước, đảm bảo đời sống của người dân nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
“Khi giảm thuế phí, ngân sách nhà nước giảm, nhưng đổi lại giữ được lạm phát và tăng trưởng GDP. Điều này đòi hỏi nhà điều hành phải có sự cân đối để mục tiêu tổng thể đạt được tốt nhất, chứ không phải cứng nhắc nghiêng về một mục tiêu đảm bảo ngân sách”, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho hay.