Xăng tăng giá cao nhất lịch sử nhưng doanh nghiệp không còn hàng để bán
(DNTO) - Tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa phương, khiến các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chưa thể duy trì hoạt động và lợi nhuận ổn định dù xăng liên tục tăng giá.
Chiều tăng giá nhưng sáng đã hết xăng
Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu diễn ra vào chiều 21/2 đã đẩy mức bán xăng dầu lên đỉnh mới.
Cụ thể, xăng E5RON92 là 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít; xăng RON95 là 26.287 đồng/lít, tăng 965 đồng/lít; dầu diesel là 20.801 đồng/lít, tăng 936 đồng/lít; dầu hỏa 19.509 đồng/lít, tăng 758 đồng/lít, dầu mazut 17.932 đồng/kg, tăng 273 đồng/kg.
Giá xăng dầu hiện tại đã vượt qua mức đỉnh hồi tháng 6/2014, thời điểm giá bán xăng RON 95 ở mức giá 25.730 đồng/lít (vùng một) và xăng RON92 là 25.230 đồng/lít.
Mặc dù việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng đã làm giảm áp lực cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ, khi mức chiết khấu từ các đầu mối cũng được nới lỏng hơn so với vài tuần trước, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, kể cả xăng tăng giá thì tình trạng khó khăn của họ vẫn chưa hết.
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, có doanh nghiệp cho biết, tính đến sáng 21/2, họ không còn xăng trong bồn chứa. Có doanh nghiệp hết xăng từ ngày 18/2 và việc nhập hàng mới cũng rất khó khăn. Một số doanh nghiệp “may mắn” hơn cũng chỉ còn khoảng 15-20m3 trong bồn, tính đến phiên điều chỉnh giá chiều 22/2.
“Chúng tôi đã ‘cạn đáy’ từ 4 ngày nay rồi, kể cả nhập được hàng mới thì số lượng rất hạn chế, chỉ có thể bán cầm chừng, được lúc nào hay lúc đó. Giá chiết khấu hiện tại vào khoảng 400-500 đồng/lít, chỉ đủ duy trì vận hành chứ chưa thể có lãi”, anh Hà Quang Trung, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Bắc Ninh, nói với Doanh Nhân Trẻ.
Phải tới giữa tháng 3 mới cải thiện
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tình hình cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước hiện đã được cải thiện so với tuần trước, tuy nhiên phải đến giữa tháng 3 mới có thể đảm bảo.
Cũng theo Bộ Công thương, tính đến ngày 17/2, đã có hơn 205.000 m3 tấn xăng, dầu diesel nhập khẩu đã về tới Việt Nam và dự kiến đến cuối tháng 2 sẽ tăng lượng cung ứng xăng dầu nhập khẩu cho các đơn vị đầu mối. Chẳng hạn, Petrolimex sẽ có thêm 180.000 m3 tấn; PVOil 66.000 -m3 tấn; Hồng Đức 80.000 m3 tấn; Xuyên Việt 40.000 m3 tấn...
Vụ thị trường trong nước cũng cho biết, hiện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành mới đạt 55% công suất nên ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Dù các doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn nhập khẩu để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước, nhưng áp lực trên thị trường vẫn còn.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối khá ‘ngập ngừng’ khi chốt hợp đồng nhập khẩu xăng dầu do giá thế giới tăng liên tục, hàng chưa cập cảng đã lỗ do mức tăng ở kỳ điều hành ngày 11/2 chưa hoàn toàn bù được hết phần lỗ của các doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về việc bán đấu giá 1 lô hàng Dự trữ quốc gia bao gồm: 101.976.121 lít xăng Ron92, giá khởi điểm 14.058 đồng/lít. Cùng với đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng tại 63 tỉnh thành tăng cường giám sát với mặt hàng xăng dầu, để kịp thời phát hiện và xử lý đối tượng có hành vi găm hàng, cố tình tạo khan hiếm hàng nhằm lũng đoạn thị trường.