Thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp xăng dầu–Bài 3: Cái gốc không được giải quyết thì chỉ loanh quanh chuyện thiếu-thừa
(DNTO) - Việc ‘găm’ hàng xăng dầu không bán cũng chỉ có lợi nhuận tức thời và chỉ xảy ra ở một vài đơn vị, bộ phận nhỏ lẻ. Vấn đề quan trọng nhất hiện tại của là cần đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu, chứ không phải dồn lực kiểm tra vài cửa hàng găm hàng.
Ra quân hùng hậu, mới chỉ phát hiện 1 nơi ‘găm hàng’
Từ trước Tết Nguyên Đán 2022, ngay sau khi thông tin về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp 1/3 lượng xăng dầu thị trường, cắt giảm công suất, được công bố rộng rãi, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Vấn đề được Bộ này nhìn nhận là nguy cơ một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng, khi nguồn cung xăng dầu trên thị trường sụt giảm, trong khi giá xăng dầu thế giới ngày một neo thang.
Tuy vậy, thị trường xăng dầu vừa qua rơi vào tình trạng hỗn loạn, khi rất nhiều cây xăng tại nhiều địa phương buộc phải đóng cửa, do không nhập được hàng vì nguồn cung khan hiếm, hoặc nếu có nhập thì giá xăng đầu vào cũng cao hơn giá đầu ra.
Điều này dẫn đến hàng loạt đơn vị kinh doanh xăng dầu tư nhân, nhỏ lẻ chìm trong thua lỗ, do mức giá chiết khấu từ các đại lý liên tục sụt giảm, thậm chí về 0 và âm nếu trừ đi chi phí vận hành, vận chuyển, nhân công.
Đến ngày 9/2, trong cuộc họp khẩn về tình hình cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương đã tiếp tục chỉ đạo thành lập Đoàn Thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
Ngay trong ngày 10/2, Đoàn Thanh tra bắt đầu tỏa đi các địa phương để làm nhiệm vụ của mình. Cùng với đó, Sở Công thương, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, nhằm truy đến cùng các đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu “găm hàng”.
Tuy vậy, từ khi công điện của Bộ trưởng Bộ Công thương phát đi, cùng với việc Đoàn Thanh tra, các Sở Công thương, lực lượng quản lý thị trường tích cực hoạt động, cho đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, mới chỉ ghi nhận một trường hợp đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Sóc Trăng “găm” 7.000 lít xăng Ron92 không chịu bán.
Còn lại, hàng loạt các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Cần Thơ, Tây Ninh, Hậu Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên… đều xác nhận chưa phát hiện trường hợp đơn vị kinh doanh xăng dầu có hiện tượng “găm hàng” trên địa bàn của mình.
Những thông tin ghi nhận thực tế từ thị trường đã khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Liệu cách tiếp cận về việc kiểm soát thị trường xăng dầu chưa đi đúng hướng?
Bài học từ khẩu trang trong đại dịch Covid-19
Thực tế, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết, để tìm ra việc có hay không những “sâu mọt” trong ngành, đang cố tình găm hàng, tạo khan hiếm hàng, nhằm lũng đoạn thị trường.
Bởi lẽ thị trường xăng dầu trong những năm qua không hiếm hiện tượng này, và trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn cung sụt giảm, giá biến động tăng, là cơ hội thuận lợi để nhiều đối tượng trục lợi. Nếu có trường hợp găm hàng xảy ra, sẽ gây nhiều khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát cũng là động thái tích cực của cơ quan quản lý trong việc đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh của thị trường; đảm bảo cho các đơn vị kinh doanh, từ lớn đến nhỏ đều có cơ hội trên thị trường như nhau.
Tuy vậy, nếu nhìn lại câu chuyện về tình hình cung ứng khẩu trang trên thị trường vào đầu năm 2020, thì cách tiếp cận của cơ quan chức năng có lẽ cũng sẽ khác.
Cụ thể, khi dịch bệnh Covid- 19 vừa bùng phát, đầu năm 2020, nhu cầu về các loại khẩu trang, nước rửa tay tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ, dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng này trên thị trường.
“Đục nước béo cò”, nhiều đối tượng đã cố tình “găm hàng” khẩu trang, “thổi giá” gấp 10 lần giá trị thực, hòng trục lợi. Trước sự phẫn nộ từ cộng đồng, lực lượng chức năng đã vào cuộc, tiến hành thanh kiểm tra, xử phạt hàng loạt các cơ sở “cố tình lợi dụng dịch bệnh để tăng giá”.
Tuy nhiên, vấn đề căn cốt để giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hóa từ thị trường, vẫn là việc đảm bảo nguồn cung.
Ngay sau đó, nhiều đơn vị dệt may trên cả nước chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, giúp nguồn cung khẩu trang trên thị trường ngày một dồi dào, đa dạng. Người mua từ việc tranh nhau “săn” khẩu trang, thì giờ thảnh thơi lựa chọn bất kì loại khẩu trang nào.
Khi nguồn cung hàng hóa trên thị trường ngày một dồi dào, người tiêu dùng đa dạng lựa chọn, thì sẽ không còn chỗ cho những đối tượng “găm hàng”, chờ tăng giá.
Quay trở lại với câu chuyện xăng dầu, khi Bộ Công thương liên tục khẳng định nguồn cung xăng dầu trên thị trường không thiếu, nhưng các đơn vị kinh doanh xăng dầu địa phương vẫn nói khó nhập hàng, trong khi đó kiểm tra thì mới phát hiện duy nhất một đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ “găm hàng”, vậy nguồn cung xăng dầu gặp trục trặc từ khâu nào?
Có lẽ, các cơ quan chức năng cần mổ xẻ thật chi tiết nguyên nhân gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu vừa qua, để có cái nhìn thẳng vào thực tế.
(Còn tiếp)