Thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp xăng dầu – Bài 2: Khi con sâu làm rầu nồi canh
(DNTO) - Hiện lượng xăng dầu cung ứng trên thị trường không thiếu, nhưng doanh nghiệp kinh doanh tư nhân không nhập được hàng, hoặc nếu nhập thì thì chiết khấu là 0 đồng, hoặc thậm chí âm nếu cộng thêm các chi phí vận chuyển, nhân công. Điều gì đang xảy ra?
Nghịch lý trong chuỗi cung ứng xăng dầu
Những ngày gần đây, thị trường xăng dầu chao đảo khi một số cửa hàng xăng dầu tại các địa phương liên tục thông báo hết xăng để bán.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản vẫn được đảm bảo cho đến thời điểm hiện tại, việc thiếu hụt chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ.
Phân tích rõ hơn về nguồn cung xăng dầu trên thị trường hiện tại, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, trong tháng 2/2022, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu/tháng, về cơ bản nguồn cung đáp ứng đủ.
Dù bắt đầu từ tháng 3, nguồn cung có thể sụt giảm do lượng tồn kho thấp, nhưng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3. Ngoài ra, đến ngày 20/2, dự kiến sẽ có 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu nhập khẩu về Việt Nam từ Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil). Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng 30% lượng bán xăng dầu ra thị trường trong tháng 1/2022 và các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Thế nhưng, trái ngược với lời khẳng định của cơ quan chức năng, tình trạng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân nhỏ lẻ trên thị trường rất khác.
Những ngày gần đây, trên các diễn đàn về kinh doanh xăng dầu, mỗi ngày có hàng trăm bài viết của các chủ cửa hàng xăng dầu, phản ánh tình trạng khó khăn khi nhập hàng, hoặc nếu có hàng thì giá nhập cũng cao hơn giá bán. Hầu hết, các đại lý kinh doanh xăng dầu đều phản ánh, hiện họ gồng mình chịu mức lỗ từ 100-600 đồng cho mỗi lít xăng bán ra.
“Cửa hàng tôi hiện có bồn 5m3, bán gần hết mới chỉ nhập được 1 ngăn của xe. Nhiều cửa hàng nhập nhiều, đầy bồn nhưng bán vài hôm là hết hàng cũ. Nếu nhập hàng mới thì chiết khấu thấp hoặc 0 đồng ngay từ đầu kỳ. Không cửa hàng nào muốn dừng bán hàng vì nếu dừng bán thì những phụ phí khác như thuê đất khấu hao, nhân công… vẫn phải chi trả. Nhưng nếu bán hàng tiếp thì không thể gồng gánh được khoản lỗ”, anh Huỳnh Hồng, Chủ một cửa hàng xăng dầu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cho hay.
Sâu mọt trong ngành xăng dầu
Nghịch lý về việc nguồn cung xăng dầu vẫn đủ nhưng gặp trục trặc trên đường đến với các đơn vị phân phối, khiến Bộ Công thương đặt ra nghi vấn về việc găm hàng của một số đơn vị đầu mối.
Vì vậy, sau cuộc họp khẩn tối 9/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành của định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Trong ngày đầu tiên ra quân của Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương, chiều 10/2, đã phát hiện một đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Sóc Trăng vẫn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5-RON92 trong bể chứa nhưng treo biển không bán.
Cụ thể, trong 4 trụ xăng của Công ty TNHH Hữu Lộc (ấp An Hoà, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), có 2 cây xăng E5-Ron92 hết hàng, tuy nhiên 2 cây khác vẫn tồn khoảng 7.000 lít xăng Ron95 trong bể chứa. Tuy vậy, đơn vị này vẫn treo biển không bán, với lý do vừa nhận hàng từ đầu mối nên chưa kịp mở bán.
Theo Trưởng đoàn Thanh tra Lê Việt Long, tình trạng các đơn vị kinh doanh xăng dầu găm hàng sẽ gây khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế.
Thực tế, thị trường xăng dầu trong nhiều năm qua luôn đối diện với tình trạng các đầu mối găm hàng, tạo khan hiếm hàng mỗi khi có thông tin giá biến động tăng. Vì vậy một số đơn vị kinh doanh sẽ bán nhỏ giọt, để chờ kỳ điều chỉnh giá mới.
Đầu năm 2022, tình trạng này càng “nóng” kể từ khi thông tin Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất được công bố (25/1), cùng với việc kỳ điều hành giá bị lùi lại do trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán, đã khiến tâm lý “găm hàng” chờ lên giá gia tăng.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc đầu mối găm hàng chờ giá tăng dẫn đến chiết khấu cho các đại lý thấp, chênh lệch giữa giá mua và bán không lớn nên các cửa hàng không mặn mà bán.
Vì vậy, để tránh tình trạng một số đơn vị lũng đoạn thị trường, theo ông Long, cần thanh tra, kiểm tra triệt để các đại lý, nhà phân phối đang phản ánh tình trạng thiếu hụt hàng và có biện pháp xử lý “mạnh tay”.
Đồng tình với quan điểm này, các đại lý xăng dầu cũng cho rằng, việc một bộ phận nhỏ đầu mối găm hàng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cả hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Trong đó, những người chịu thiệt thòi nhất là những đơn vị kinh doanh xăng dầu tư nhân, nhỏ lẻ, luôn phải phụ thuộc nguồn cung vào các nhà phân phối.
Các cửa hàng xăng dầu mong muốn Bộ Công thương có những hoạt động kiểm tra sát sao và thực tế hơn, để đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu, tránh việc bỏ sót một vài đối tượng làm lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng tới doanh nghiệp kinh doanh chân chính.