Thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp xăng dầu – Bài 1: Khách càng đông, doanh nghiệp càng sợ
(DNTO) - Doanh nghiệp kinh doanh đang đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, khi giá nhập xăng dầu cao hơn giá bán, khiến họ chịu lỗ 200-400 đồng/lít xăng, dầu bán ra.
Càng bán càng lỗ
Nhận chuyến hàng xăng dầu vào tối 9/2 sau nhiều ngày mong mỏi, anh Lương Đức Tiến, đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại huyện Cư M’gar, Đắk Lắk cho biết, ở thời điểm hiện tại, cửa hàng của anh chủ yếu bán để duy trì khách hàng, hoàn toàn không có lợi nhuận.
“Bán vì đam mê chứ giá nhập âm luôn”, anh Tiến tếu táo nói về việc mức chiết khấu của doanh nghiệp liên tục sụt giảm trong những ngày gần đây, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, trong khi kỳ điều hành xăng dầu trong nước bị lùi lại do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, khiến giá bán cao hơn giá nhập.
Cùng tình trạng này, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Quốc Thắng, với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương, trước đây thường được hưởng mức chiết khấu từ 200-1.000 đồng/mỗi lít xăng, dầu bán ra, tùy loại, tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới ngày càng tăng mạnh khiến mức chiết khấu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này ngày càng sụt giảm, thậm chí âm từ 200-300 đồng/lít; có thời điểm âm hơn 600 đồng/lít xăng, dầu bán ra.
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng cho biết, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân hiện đang phải gồng mình chịu lỗ, và chỉ biết hoạt động cầm chừng.
Mức chiết khấu liên tục âm, cùng với việc khan hiếm nguồn cung khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (chiếm khoảng 35% thị phần trong nước) cắt giảm sản lượng, khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu không còn đủ sức cầm cự. Nhiều doanh nghiệp đăng tin rao bán chuỗi cửa hàng xăng dầu, hoặc có tâm lý không dám nhập nhiều xăng dầu, vì sợ càng bán ra càng lỗ.
Trong cuộc họp khẩn với Bộ Công thương về tình hình xăng dầu, chiều 9/2, ông Nguyễn Minh Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh Long An có 25 cửa hàng xăng dầu nghỉ bán từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, với các lý do như nhân viên nghỉ Tết, chiết khấu thấp do chưa đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, nguồn cung chưa ổn định... Đến 7/2, hầu hết các cửa hàng tại Long An đã hoạt động trở lại và bán hết xăng dầu dự trữ, nhưng không nhập thêm, vì giá nhập cao hơn giá bán.
Hiệu ứng Domino trong ngành xăng dầu
Chiếm đến 1/3 tổng nguồn cung xăng dầu trong nước, việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đột ngột cắt giảm công suất từ đầu tháng 1/2022, với lý do thiếu nguồn tiền để nhập dầu thô cho sản xuất, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa thực hiện một số nghĩa vụ tài chính, đã khiến thị trường xăng dầu trong nước lao đao.
Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu “trở tay không kịp” trước thông báo này. Bởi lẽ trước đây, 75% nhu cầu xăng dầu trong nước do Nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo; chỉ 25% lượng xăng dầu cần nhập khẩu. Khi Nhà máy Nghi Sơn đột ngột cắt giảm công suất, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, buộc phải tăng nhập khẩu xăng dầu.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu không thể chỉ giải quyết trong ngày một ngày hai, bởi theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc tiếp cận thị trường nhập khẩu xăng dầu chỉ thuận lợi với các doanh nghiệp đầu mối lớn, như Petrolimex, PVOil; còn các doanh nghiệp nhỏ, để nhanh chóng nhập khẩu, là rất khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết trong cuộc họp khẩn với Bộ Công thương, chiều 9/2, rằng, trên địa bàn tỉnh hiện có 340 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và có 457 cửa hàng xăng dầu. Hiện có 19 cửa hàng tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết nguồn cung. Các địa phương khác như Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang cũng đã ghi nhận một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong những ngày vừa qua.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, hiện nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2. Nguồn cung và lượng tồn kho thấp có thể xảy ra trong tháng 3. Tuy nhiên, hiện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3. Đồng thời, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Dẫu vậy, không loại trừ trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm chạy đủ công suất như kế hoạch từ ngày 15/3, cũng như các thương nhân đầu mối không thể nhập khẩu lượng xăng dầu như đã thông báo, trong khi đó, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, vì vậy cần đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống; cần có chính sách điều hành kịp thời, linh hoạt để bình ổn thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu PVN có thông báo sớm, cụ thể, chi tiết về tình hình cung ứng xăng dầu để các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ động có kế hoạch nhập khẩu bù vào khoản thiếu hụt.