Tồn khoảng 7.000 lít xăng RON92 nhưng cửa hàng xăng không chịu bán
(DNTO) - Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương trong chiều 10/2 đã phát hiện một đơn vị kinh doanh xăng dầu tại Sóc Trăng vẫn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5-RON92 trong bể chứa nhưng treo biển không bán.
Với yêu cầu bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống, ngay sau khi cuộc họp khẩn với đại diện các bộ, ngành địa phương chiều 9/2 kết thúc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định số 150/QĐ-BCT thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp.
Nhận lệnh của bộ trưởng, ngay trong sáng 10/2, đoàn kiểm tra đã đến với điểm đầu tiên là tỉnh Vĩnh Long – nơi được người dân, báo chí phản ánh về hiện tượng xuất hiện các biển treo “hết xăng”. Ghi nhận ban đầu của đoàn kiểm tra cho thấy, có đơn vị đã không còn hàng trong bồn để bán, trong quá trình chờ đơn vị đầu mối tiếp thêm đã treo biển "Hết xăng”.
Tuy vậy, cũng có đơn vị vẫn còn hàng nhưng không mở bán với nhiều lý do khác nhau… Cụ thể, trong chiều 10/2, đoàn bất ngờ kiểm tra cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Hữu Lộc tại ấp An Hoà, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Trong 4 trụ cây xăng tại đây, có 2 cây xăng A95 hết hàng nhưng 2 cây khác vẫn còn tồn khoảng 7.000 lít xăng E5-RON92 trong bể chứa. Tuy vậy, cửa hàng vẫn treo biển không bán, với lý do vừa nhận hàng từ đơn vị đầu mối nên chưa kịp mở bán.
“Tuy nhiên, với bất cứ lý do gì, tinh thần chỉ đạo của bộ trưởng là phải truy đến cùng, kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Trưởng đoàn Thanh tra Lê Việt Long cho biết.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công thương sẽ tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Công thương sẽ phối hợp với địa phương, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo thẩm quyền để kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm.
Trước đó, tại cuộc họp của Chính phủ chiều 8/2, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Công thương thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.