Giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân vẫn kêu chưa có lãi
(DNTO) - Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/2, giá xăng dầu các loại đồng loạt tăng trên 900 đồng/lít. Tuy nhiên, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tư nhân cho biết họ vẫn chưa có lợi nhuận, do mức chiết khấu từ đại lý vẫn rất thấp.
Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu hỗn loạn vì thông tin Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp 35% lượng xăng dầu trên cả nước, công bố cắt giảm công suất. Cùng với đó, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 1/2 vừa qua trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên theo quy định sẽ không điều chỉnh giá vào kỳ này mà chuyển sang kỳ kế tiếp (11/2).
Việc nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng do cắt giảm công suất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cộng thêm kỳ điều chỉnh giá kéo dài trong khi giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, đã đẩy nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Vừa khó khăn trong việc nhập hàng để bán, vừa khó khăn trong việc bị cắt giảm mức chiết khấu, xuống còn 100-200 đồng/lít hoặc thậm chí về 0, khiến nhiều cửa hàng hạn chế bán ra hoặc nghỉ bán do không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ.
Hôm 11/2, liên bộ Công thương – Tài chính công bố quyết định điều hành giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường. Theo đó, các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá. Cụ thể, xăng Ron92 tăng 976 đồng/lít; xăng Ron95 tăng 962 đồng/lít; dầu diesel tăng 962 đồng/lít; dầu hỏa tăng 958 đồng/lít; dầu mazut tăng 666 đồng/kg so với giá bán hiện hành.
Dù giá bán các loại xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh so với kỳ điều hành trước, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân, nhỏ lẻ vẫn than phiền về việc lãi vẫn chưa thể bù lỗ.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thông tin rằng, từ chiều 11/2 cho tới nay, chưa đầy một ngày, nhưng các đại lý phân phối xăng dầu liên tục điều chỉnh giá chiết khấu (hoa hồng), từ 500-600 đồng/lít xuống còn 350-4000 đồng/lít; thậm chí có nơi chiết khấu chỉ còn 200 đồng/lít.
“Với chiết khấu 200 đồng/lít, trong khi giá dầu thô thế giới lên tới hơn 98,7 USD, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, nhân công, thuê mặt bằng thì chúng tôi cũng không có lãi. Không biết sang tuần sau chiết khấu liệu có về 0 hay không”, ông Bùi Thành Tâm, đại diện một đơn vị kinh doanh xăng dầu tại TP. Bắc Ninh, nói với Doanh Nhân Trẻ.
Ngoài việc chiết khấu liên tục giảm, các doanh nghiệp cho biết, do nguồn cung khan hiếm nên đa phần nhiều cửa hàng không còn nhiều lượng xăng dầu trong bể chứa. Vì vậy đã bán hết trong ngày đầu tiên điều chỉnh giá xăng dầu.
“Cửa hàng tôi chính thức hết xăng vào lúc 9g ngày 12/2, lượng dầu còn ‘thấp thỏm’ được 2 hôm”, lo không còn xăng dầu để bán chứ chưa nói đến chiết khấu”, anh Lê Minh Tuấn, đại diện cửa hàng xăng dầu tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk, chia sẻ.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Công thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trên thị trường cơ bản không thiếu trong tháng 2/2022. Bộ này đặt ra nghi vấn một số đối tượng kinh doanh xăng dầu "găm hàng", cố tình tạo khan hiếm trên thị trường, và cho biết sẽ kiên quyết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Theo thống kê từ Bộ Công thương, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21/1 đến kỳ điều hành ngày 11/2 cụ thể như sau: 102,419 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 6,253 USD/thùng, tương đương tăng 6,50% so với kỳ trước); 104,605 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,743 USD/thùng, tương đương tăng 6,89% so với kỳ trước); 104,831 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 6,327 USD/thùng, tương đương tăng 6,42% so với kỳ trước); 101,937 USD/thùng dầu hỏa (tăng 5,042 USD/thùng, tương đương tăng 5,20% so với kỳ trước); 511,032 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (tăng 26,747 USD/tấn, tương đương tăng 5,52% so với kỳ trước).
Trong nước, giá bán xăng dầu được quy định tại Điều 38, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Khoản 3, Điều 1, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT ngày 24 tháng 6 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2014 quy định về phương pháp tính giá cơ sở:
"Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh (bán buôn, bán lẻ) hợp lý, hợp lệ (được kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập kiểm toán) cao hơn mức quy định trên, thương nhân đầu mối cân đối, xem xét quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; đồng thời, được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh, nhưng giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm''.