Thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp xăng dầu – Bài 4: Vai trò ‘nhạc trưởng’ của cơ quan điều hành ở đâu?
(DNTO) - Nguồn cung ứng xăng dầu trong nước bị cắt giảm đột ngột, nếu nhà điều hành có sự điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ hoặc doanh nghiệp thua lỗ không dám nhập hàng.
Cũng theo các chuyên gia trong ngành xăng dầu, Việt Nam đã từng nhập khẩu gần như toàn bộ xăng dầu, rồi đến 70%, và cũng đã xảy ra tình trạng khi giá thế giới tăng cao chỉ một số đơn vị đầu mối lớn "gánh" trách nhiệm nhập khẩu. Hiện Việt Nam có thể cung ứng tới 75%, nhưng Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp 35% thị phần xăng dầu, giảm sản xuất, khiến việc tăng nhập khẩu tiếp tục là trách nhiệm của các đầu mối.
Tuy vậy, trước tình hình giá xăng dầu thế giới liên tục leo thang, doanh nghiệp đầu mối không dám nhập khẩu vì chênh lệch giữa giá vốn nhập vào so với giá bán lên tới gần 1.000 đồng/lít, các doanh nghiệp vốn "lãi ăn, lỗ chịu" nên sẽ tính toán nhập khẩu cầm chừng là điều dễ hiểu. Việc này, dẫn đến khối lượng nhập khẩu bù đắp vào thiếu hụt nguồn cung trong nước chưa đảm bảo.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng từng cho biết, việc tiếp cận thị trường nhập khẩu xăng dầu chỉ thuận lợi với các doanh nghiệp đầu mối lớn, như Petrolimex, PVOil; còn các doanh nghiệp nhỏ, để nhanh chóng nhập khẩu, là rất khó khăn.
Trong khi đó, Bộ Công thương liên tục khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước hiện tại cơ bản đáp ứng đủ. Theo chuyên gia, điều này có thể vô tình gây ra sự lạc quan với các đầu mối về khả năng cung ứng của nhà sản xuất trong nước, mà "quên" nhiệm vụ chủ động đàm phán nhập khẩu nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn không cải thiện. Vì vậy, việc tạo niềm tin cho đầu mối, đưa ra chính sách là rất quan trọng, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, thay vì tập trung kiểm tra một số đơn vị "găm hàng".
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nhấn mạnh việc để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường thời gian qua là trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương, khi đây là đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc điều hành xăng dầu trên thị trường nhưng thiếu nhạy bén, đánh giá thực trạng không đúng và dự báo không sát.
“Bộ Công thương chưa kịp thời ngồi lại với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để xem ‘gỡ’ tình hình sản xuất như thế nào, cũng như chưa đôn đốc việc nhập khẩu xăng dầu bù đắp phần thiếu hụt, dẫn đến thị trường phản ứng tiêu cực”, ông Thỏa cho biết.
Trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc điều hành tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu trong nước cũng được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề cập trong cuộc họp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan cách đây 1 tuần (8/2).
“Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ.
Cùng với đó, đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày ½ rơi vào mùng 1 Tết Nguyên đán 2022, theo Nghị định 95 sẽ chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo, tức ngày 11/2. Như vậy, đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc lùi thời gian điều chỉnh giá là đúng với Nghị định 95, tuy vậy, Bộ Công thương vẫn hoàn toàn có phương pháp để điều hành linh hoạt khi thị trường sụt giảm nguồn cung đột ngột và biến động giá lớn, để giảm thiểu những tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua.
Trong một diễn biến liên quan, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu (đang được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
Bởi lẽ theo ông An, thương nhân phân phối xăng dầu là loại hình trung gian, chỉ mua từ các đầu mối và bán cho đại lý, không phải nơi phát nguồn cung xăng dầu. Vì vậy, nếu bỏ loại hình này sẽ giảm thiểu tối đa khâu trung gian cho doanh nghiệp, đồng thời cũng giảm thiểu tình trạng thiếu nguồn cung trong nước.
Thực tế, trong báo cáo mới đây của Sở Công thương Cà Mau cũng cho biết, các thương nhân phân phối xăng dầu thời gian qua do không mua được xăng dầu từ các đầu mối, nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các đơn vị bán lẻ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ.
"Cơ chế" và "điều hành" là hai vấn đề mà các chuyên gia cho rằng Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cần mổ xẻ để giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường xăng dầu trong thời gian qua.
Trong cuộc họp khẩn ngày 9/12, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và các địa phương Bộ, sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét việc cho phép điều hành với tần suất dày hơn thay vì 10 ngày một lần theo Nghị định 95, để phản ứng linh hoạt với tình hình giá dầu thế giới biến động, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo người đứng đầu Bộ Công thương, cần cho phép sử dụng Quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia trong điều kiện nguồn cung gặp khó khăn; nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật (thay vì bằng tiền) để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung với mặt hàng chiến lược này.
(Hết).