Thị trường xăng dầu căng thẳng và áp lực kiểm soát lạm phát
(DNTO) - Khả năng gián đoạn nguồn cung dầu thế giới trở nên khó giải quyết khi sản lượng khai thác giảm trước nhu cầu tăng cao và tồn kho xăng dầu đang dần cạn. Thị trường xăng dầu Việt Nam cũng trong trạng thái hỗn loạn suốt tuần qua, đặt ra vấn đề kiểm soát giá tiêu dùng và lạm phát.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, ngay cả khi không có chiến tranh, các vấn đề cung cấp dầu giữa các quốc gia xuất khẩu có nguy cơ làm gia tăng sự thắt chặt, biến động trên thị trường năng lượng và đẩy giá lên cao hơn. Liên minh, được gọi chung là OPEC +, đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các nước tiêu thụ dầu trong việc tăng cường nỗ lực thúc đẩy nguồn cung, vì nhu cầu tăng cao hơn dự kiến.
Theo IEA, trong tháng 1/2022, nguồn cung dầu toàn cầu tăng 560.000 thùng/ngày lên 98,7 triệu thùng: “Việc OPEC + hoạt động kém hiệu quả trong việc đáp ứng các mục tiêu sản lượng và gia tăng căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá dầu lên cao hơn. Nếu tình hình này dai dẳng, khả năng biến động nhiều hơn và áp lực giá tăng cao”.
Mặc dù các nhà sản xuất Hoa Kỳ chậm chạp trong việc đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, nhưng có những dấu hiệu cho thấy giá cao đang khuyến khích việc khoan dầu nhiều hơn. Số lượng giàn khoan ở Mỹ tăng 22 trong tuần này, chủ yếu ở các khu vực sản xuất dầu ở Texas và Bắc Dakota, theo Baker Hughes Co.
IEA cho biết trong năm nay, có thể mất một tỷ thùng do vấn đề nguồn cung, trừ khi các thành viên OPEC “có công suất dự phòng đáng kể, tập trung ở Trung Đông, bơm nhiều hơn để bù đắp cho những nơi không thể khai thác được”.
Sự thiếu hụt cùng với nhu cầu mạnh mẽ đã khiến kho dự trữ dầu toàn cầu ngày càng cạn kiệt. Tồn kho dầu ở các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đã giảm 60 triệu thùng trong tháng 12/2021, xuống còn 2,68 tỷ thùng, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các kho dự trữ đã giảm thêm 13,5 triệu thùng trong tháng Giêng năm nay.
Cơ quan có trụ sở tại Paris cũng cho biết hôm thứ Sáu rằng nhu cầu về dầu sẽ tăng 3,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, ít hơn khoảng 100.000 thùng/ngày so với dự kiến vào tháng trước. Trong năm 2021, IEA ước tính rằng nhu cầu dầu tăng 5,6 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước.
Nguồn cung bổ sung trong năm nay có thể đến từ Iran, nếu các cuộc đàm phán của nước này với các quốc gia phương Tây tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 thành công. Các quan chức của cả hai bên đã gợi ý rằng một thỏa thuận có thể kết thúc, làm tăng triển vọng các lệnh trừng phạt đối với Iran được dỡ bỏ để có thể bổ sung thêm 1,3 triệu thùng dầu từ Iran vào thị trường.
Trong bối cảnh chung của thế giới, tuần qua, thị trường xăng dầu Việt Nam có dấu hiệu hỗn loạn, bất ổn và xảy ra hiện tượng khan hiếm ở một số nơi. Nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, hạn chế bán ra… Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, nguồn cung hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường đến hết tháng 2 (khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng). Cuối cùng, giá xăng dầu tăng tốc hơn 3% trong sáng nay (12/2).
Đồng thời, trong tiến trình phục hồi nền kinh tế, nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa du lịch, giao thương… là những động lực chính thúc đẩy giá xăng dầu tiếp tục đi lên, gây ra nhiều mối lo đối với nền kinh tế chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Mặt hàng chiến lược này chi phối các ngành hàng khác và có khả năng đẩy chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng cao trong năm 2022. Theo Cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 1/2022, lạm phát cơ bản tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước; CPI tăng 1,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 43,56%.
Theo kế hoạch, từ giữa tháng 3/2022, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ chạy đủ 100% công suất, và các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu dầu để bù đắp vào nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Đó sẽ là câu chuyện của tháng 3, còn vấn đề của tháng 2 vẫn đang tiếp diễn với nhiều mối lo có nguồn gốc chi phối từ xăng dầu.