‘Kìm’ đà tăng giá xăng dầu: Đã đến lúc cần dùng công cụ thuế, phí
(DNTO) - Giá xăng dầu trong nước đã thiết lập đỉnh mới ở kì điều hành ngày 21/2, vượt mốc 26.000 đồng/lít xăng RON95. Để kìm đà tăng giá xăng dầu khi quỹ bình ổn giá ở nhiều doanh doanh nghiệp đầu mối lớn âm hàng trăm tỷ đồng, theo chuyên gia, chỉ còn công cụ duy nhất là điều chỉnh thuế và phí.
Áp lực từ giá xăng dầu tăng “sốc”
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, với mỗi lít xăng tăng gần 3.000 đồng, đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, giao thương của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu được dự báo tiếp tục tăng cao, khi căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukaine leo thang, dự trữ xăng dầu của các nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai biện pháp phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu 30-40% xăng dầu tùy loại. Và hiện nay, tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu tiếp tục gia tăng khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nơi cung cấp 35% xăng dầu trong nước, giảm 40% công suất. Vì vậy giá xăng dầu trong nước thời gian tới không tránh khỏi đà tăng theo giá xăng dầu thế giới.
Hiện chi phí xăng dầu chiếm tới 4% trong nền kinh tế Việt Nam. Giá xăng dầu tăng khoảng 10% sẽ làm cho tăng trưởng GDP giảm khoảng 5%, chưa kể những tác động gián tiếp từ việc tăng giá xăng dầu tới lưu thông, phân phối, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa mà còn gia tăng áp lực lạm phát và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Để giảm áp lực lạm phát, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 6-6,5% theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, thì cần tránh tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng, dầu.
Thế nhưng, hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) tại nhiều đơn vị đầu mối lớn đã âm hàng trăm tỷ đồng. Tính đến chiều 21/2, Quỹ BOG của Petrolimex tiếp tục âm 110 tỷ đồng, PVOil âm hơn 770 tỷ đồng,... khiến tổng quỹ chung không còn nhiều dư địa bình ổn giá.
Do vậy, để tránh giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng “sốc” trong thời gian tới, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung, theo các chuyên gia, chỉ còn công cụ duy nhất là điều chỉnh thuế và phí.
Cân nhắc giảm thuế, phí
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đang phải “gánh” tới 4 loại thuế: thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800-4000đ/lít, tổng cộng chiếm tới chiếm 38% giá xăng dầu, chưa kể các chi phí vận chuyển, định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn… dẫn đến giá xăng dầu trong nước cao, đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao.
Khi quỹ bình ổn giá ngày càng cạn dần và dự báo giá xăng dầu thế giới có thể tăng trên 100 USD/thùng, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng chắc chắn phải sử dụng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi nếu để giá xăng dầu tăng quá cao sẽ ảnh hưởng tới một số công cụ, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đang áp dụng.
Bộ Công thương cũng đã nhiều lần đề xuất giảm thiểu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường mà hàng xăng sinh học E5RON92, để vừa giúp giảm áp lực về giá, vừa khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường nhờ giá cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa đồng thuận vì nguồn thu từ thuế phí xăng dầu đóng góp lớn cho ngân sách. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra hiện nay (với xăng khoảng 38% và dầu khoảng 20%) vẫn thấp hơn mức bình quân chung của nhiều nước (khoảng 45%-60%) và khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm 5%-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.
Đồng tình với quan điểm nên xem xét giảm thuế xăng dầu, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng phương án tối ưu hiện nay là giảm thuế bảo vệ môi trường (3.800 đồng/lít xăng RON 92; 4.000 đông/lít xăng RON95 và 2.000 đồng/lít dầu diesel), vì việc điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo và cân đối nguồn thu - chi ngân sách trong thời gian tới.
Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, trong chiều 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 160, giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương, Tài chính và các đơn vị liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Thủ tướng giao các Bộ và đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2.