Xăng dầu tăng giá, hàng hóa rục rịch tăng theo
(DNTO) - Giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua và có khả năng cao tiếp tục tăng trong thời gian tới đã tác động nhiều tới doanh nghiệp logistic, buộc họ phải tăng giá dịch vụ cung ứng, từ đó tác động ít nhiều đến doanh nghiệp sản xuất.
Theo đại diện một số đơn vị sản xuất, cung ứng hiện chưa “dám” tăng giá nhưng trong thời gian sắp tới việc giữ giá là rất khó.
Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thảo Nguyên (Đà Lạt), đơn vị chuyên cung ứng rau, củ, quả cho một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM cho biết, giá xăng dầu tăng chắc chắn làm ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Hiện tại mỗi chuyến vận chuyển hàng hóa từ Đà Lạt về TP.HCM, doanh nghiệp phải trả thêm khoảng 800.000 – 1 triệu đồng/1 chuyến so với trước khi xăng dầu tăng giá.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu chi phí xây dựng cho máy móc như xe cày, xe máy…
Theo đó, tổng chi phí thời gian qua tăng tới gần 20%, tuy nhiên, giá hàng hoá chưa được tăng.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Dịch bệnh vừa tạm lắng một chút thì tới giá xăng dầu tăng mạnh”, ông Lam nói thêm.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM, đơn vị cung ứng các sản phẩm trứng gia cầm, cho biết, hiện tại giá xăng dầu đã ảnh hưởng tới hoạt động của Vĩnh Thành Đạt nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi giá xăng dầu, theo tình hình thế giới, tăng cao hơn thì giá thành và giá bán sản phẩm sẽ bị tăng theo.
Về phía hệ thống phân phối, đại diện của MM Mega Martket cho biết, do giá xăng dầu tăng gấp ba lần nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì. Ngoài ra, chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng và hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại sau đại dịch Covid-19.
Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm.
Vì vậy, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.
“Tại MM Mega Market, chúng tôi đã và đang cố gắng trì hoãn việc tăng giá nhằm mang đến cho người tiêu dùng một mùa mua sắm tết tiết kiệm và đủ đầy. Hiện tại, chúng tôi đang làm việc thật chặt chẽ với nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất có thể cho người tiêu dùng”, vị đại diện này cho biết.
Theo ghi nhận của Doanh Nhân Trẻ, vào một số ngày như ngày vía Thần Tài, ngày Rằm tháng Giêng, giá thực phẩm tại một số chợ truyền thống như cá, đậu hũ, rau, củ, quả tăng nhẹ. Tại các hệ thống siêu thị, giá ổn định, thậm chí các đơn vị này có các chương trình khuyến mại để kích cầu mua sắm.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, thời điểm này không có tình trạng khan hiếm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu do đã được chuẩn bị sẵn để cung ứng đủ trước, trong và sau tết 1 tháng. Giá cả cũng ổn định.