Cung - cầu xăng dầu không đảm bảo thì mọi nỗ lực điều tiết giá cả sẽ không hiệu quả
(DNTO) - Trong điều hành thị trường, không chỉ đơn thuần là vấn đề điều hành giá cả, mà còn phải đảm bảo điều hành cung - cầu, đây là bài học lớn về việc điều hành xăng dầu từ sự cố Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Giá dầu thô trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp và tăng liên tục trong những ngày vừa qua, đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Các dự báo đều cho rằng giá dầu Brent có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.
Giá dầu thế giới tăng cao tác động trực tiếp đến giá dầu trong nước, khi Việt Nam vẫn là nước vừa phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, vừa phải nhập khẩu dầu thô để chế biến lọc hóa dầu. Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2022, Việt Nam phải chuẩn bị kịch bản sống chung với giá xăng dầu liên tục tăng cao.
Tác động từ tăng giá xăng dầu với tăng trưởng kinh tế và kìm chế lạm phát đang ngày càng hiện hữu. Để giảm áp lực lạm phát, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 6-6,5% (theo mục tiêu Quốc hội đề ra), bắt buộc phải “tránh tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu”, trong đó có xăng dầu.
Ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ phát đi công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Công điện đã chỉ rõ: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, vấn đề điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng, đặc biệt là tại các thời điểm biến động của thị trường xăng dầu có thể ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong điều hành thị trường, không chỉ đơn thuần là vấn đề điều hành giá cả, mà còn phải đảm bảo điều hành cung – cầu. Bởi một khi cung – cầu không đảm bảo thì mọi nỗ lực điều tiết giá cả đều không có hiệu quả vì thị trường dễ bị lũng đoạn.
Sự cố Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là một bài học về việc điều hành xăng dầu, nhìn từ phương diện đảm bảo nguồn cung. Khi một nơi chiếm 35% nguồn cung xăng dầu cho cả nước giảm công suất đột ngột, để bù đắp lượng thiếu hụt, không còn cách nào khác phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, việc đàm phán nhập khẩu với các doanh nghiệp đầu mối nhỏ là rất khó khăn. Ngoài ra, hiện xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu B (Form B), nên chỉ hạn chế nhập khẩu trong các nước ASEAN. Trong khi đó, các nguồn cung từ quốc gia khác rất dồi dào nhưng không thể nhập được do chênh lệch về nhập khẩu.
Việc chỉ sử dụng Form B nhập khẩu trong các nước ASEAN, theo các chuyên gia đánh giá là Việt Nam đang hơi tự tin về nguồn cung trong nước. Trong khi đó, nếu tới tháng 5, Nhà máy Nghi Sơn chưa thể hoàn thành tiến trình đàm phán về tài chính để khôi phục sản xuất, hoặc trong trường hợp các nhà máy lọc dầu khác (Bình Sơn, Dung Quất) gặp sự cố như giảm sản lượng, sửa chữa, bảo dưỡng..., thì phương án nguồn cung sẽ ra sao?
Từ bài học Nghi Sơn, yêu cầu đặt ra trong công tác điều hành là cần tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu đột ngột, gây “sốc” cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ, việc cung ung ứng dầu mỏ là vấn đề cần thời gian chứ không phải một sớm một chiều, trong khi nhu cầu tiêu dùng xăng dầu là tức thời.
Khi nguồn cung bất kỳ một loại hàng hóa nào bị thiếu hụt, chắc chắn thị trường sẽ bị lũng đoạn. Trong khi đó xăng dầu lại là mặt hàng chiến lược, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực như sản xuất, vận tải, thương mại, dịch vụ, an ninh quốc phòng và đời sống. Vì vậy những biến động về nguồn cung, sẽ kéo theo biến động về giá, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hoạt động kinh tế toàn cầu.
Minh chứng ảnh hưởng của sự cố Nhà máy Nghi Sơn trong thời gian qua là tình trạng hàng loạt cây xăng đóng cửa vì hết hàng, các doanh nghiệp bán lẻ chịu mức thua lỗ trầm trọng khi giá nhập cao hơn giá bán, do thiếu nguồn cung và điều hành giá chậm chễ.
Để giảm thiểu cú sốc từ biến động xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh đến trách nhiệm dự báo của cơ quan điều hành, để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung tương đối giữa cung nhập khẩu, cung trong nước và kho dự trữ quốc gia.
“Cơ quan điều hành cần bám sát diễn biến và dự báo chính xác các diễn biến của cung – cầu, giá cả thị trường thế giới và trong nước để có chiến lược trung hạn và dài hạn. Cần chính sách, cơ chế đẩy mạnh sản xuất, chế biến trong nước; Lập dự trữ chiến lược để chủ động điều hòa cung cầu trong nước, bảo đảm cân đối cung – cầu trong mọi tình huống”, ông Thỏa cho hay.