‘Đánh’ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Cần đúng mục đích
(DNTO) - Theo chuyên gia, việc nghiên cứu giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cần thiết và phải sát với mục tiêu giảm thải CO2, bảo vệ môi trường.
Hiện thuế bảo vệ môi trường đang được quy định “cứng” theo công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng/lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng /lít. Ngoài thuế môi trường, xăng dầu còn gánh nhiều loại thuế, phí khác và riêng thuế phí hiện tại chiếm khoảng 42-43% mỗi lít xăng; và 21-27% mỗi lít dầu.
Điều này gây áp lực cho túi tiền của người dân khi giá xăng dầu thế giới liên tục leo thang và dự kiến sẽ tăng cao trong năm 2022. Trong khi đó, Việt Nam là nước vẫn phải nhập khẩu 30-40% dầu thô và xăng thành phẩm, nên giá sẽ biến động tăng theo đà tăng của thế giới. Theo các chuyên gia đánh giá, xăng dầu tăng cao gây áp lực đến việc kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phát đi Công điện số 160, yêu cầu Bộ Công thương, Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, yêu cầu này của Thủ tướng là hoàn toàn chính xác và hợp lý, không chỉ đối với giai đoạn giá xăng dầu đang tăng như hiện nay.
Bởi lẽ, từ trước đến nay, Việt Nam đều sử dụng công cụ là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) để giảm áp lực tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua, việc chi quỹ BOG liên tục và ở mức cao đã khiến quỹ này âm tới hàng trăm tỷ đồng. Do vậy, dư địa để sử dụng Quỹ BOG trong việc điều tiết giá xăng dầu hiện tại là rất hẹp.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, thuế bảo vệ môi trường hiện nay đối với mặt hàng xăng sinh học E5 được tính một cách “cứng nhắc”, cơ học, bằng 95% thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng RON92, như vậy chưa đúng với mục tiêu bảo vệ môi trường.
“Thực tế nhiều nước khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường tính theo mức giảm phát thải CO2 được các nhà khoa học chứng minh trong nước và quốc tế về độ giảm thải CO2 đối với nhiên liệu sinh học, khi có 5% ethanol sẽ giảm thải so với xăng khoáng khoảng 60-70%. Chúng tôi kiến nghị thuế bảo vệ môi trường như vậy”, ông Đông cho hay.
Đồng tình với quan điểm cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu phù hợp mục tiêu giảm phát thải CO2, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia năng lượng đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, hiện mức đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hiện nay là rất cao, nên giai đoạn trước mắt, thuế phí có thể xem là dư địa điều hành giá xăng dầu trong nước, khi giá quốc tế tăng cao.
“Chúng ta đang đánh thuế tới 4.000 đồng/lít xăng, căn cứ nào để đánh thuế như vậy, cần phải dựa trên mức độ phát thải ô nhiễm của từng loại nguyên liệu, liệu nguồn thu thuế này có được sử dụng đúng mục đích là bảo vệ môi trường hay không. Thực tế, việc đưa ra thuế có mục đích đặc biệt cụ thể như thuế bảo vệ môi trường thì cần có phương pháp luận cụ thể chứ không chỉ là mục đích đánh thuế để tăng ngân sách quốc gia, và phải cân nhắc bảo đảm hài hòa mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh.
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết đã phân công Vụ Chính sách thuế và Tổng cục Thuế nghiên cứu phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, về nhiều mặt, cân đối với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công thương cũng cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp, không để gián đoạn nguồn cung và thực hiện đúng các quy định về dự trữ xăng dầu lưu thông, không để xảy ra hiện tượng "găm hàng" hay gián đoạn nguồn cung cục bộ, gây ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.