Chính sách tài khóa đang hỗ trợ 'ghìm cương' lạm phát ra sao?
(DNTO) - Dù hiện nay, áp lực lạm phát do chí phí đẩy đang tăng cao, song phải thừa nhận, ở góc độ vĩ mô, các chính sách cắt giảm thuế, phí và giãn thời gian nộp thuế đã góp phần đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát.
Hiện nay, Việt Nam đang chịu áp lực lớn vì lạm phát tăng cao, chủ yếu do sự gia tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào (điển hình là xăng dầu) và tắc nghẽn chuỗi cung ứng (do các lệnh trừng phạt kinh tế giữa các nước lớn và bệnh dịch), tức nguyên nhân đến từ phía cung. Phía cầu cũng có tác động, song không lớn, do sức mua của người dân hiện còn yếu.
Trong khi đó, theo các chuyên gia nhận định, chính sách tiền tệ hiện nay gần như "múa tay trong bị", vì hai nguyên nhân.
Một là rất khó để chính sách tiền tệ của Việt Nam giải quyết được tình trạng tăng giá của hàng hóa thế giới. Hai là chính sách tiền tệ cũng không xử lý được tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng bị nghẽn do chiến tranh và bệnh dịch, do trừng phạt kinh tế hay do logistics đình trệ, tức những nguyên nhân nằm ngoài khả năng chi phối của Việt Nam.
Hơn nữa, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp rất cần môi trường thuận lợi để cứng cáp trở lại. Mọi quyết định gia tăng sản xuất, mở rộng đầu tư cũng đều nằm ở giai đoạn này. Nếu phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để chống lạm phát thì doanh nghiệp sẽ “dính đòn” rất đau khi vừa chịu chi phí sản xuất cao, vừa nặng gánh lãi suất, nhất là khi doanh nghiệp Việt đặc biệt phụ thuộc vốn vay ngân hàng.
"Theo đó, hướng xử lý lạm phát đúng đắn hiện nay là dùng chính sách tài khóa. Ví dụ, xác định nguyên nhân lạm phát đến từ giá nguyên nhiên liệu, Chính phủ có thể cắt giảm thuế, phí để giảm bớt áp lực, nói hình ảnh thì không “rút củi đáy nồi” để giảm nhiệt được thì cũng phải “khuấy cho canh ngừng sôi”, TS. Phạm Thế Anh nhận định.
"Về việc này, ngân sách sẽ không bị thiệt hại nhiều, bởi giá xăng dầu hợp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường sản xuất, quy mô thu thuế tăng lên. Với các hàng hóa đầu vào khác cũng vậy, nếu Chính phủ có đủ nguồn lực tài khóa thì cũng có thể cân nhắc giảm các loại thuế, phí liên quan", ông Phạm Thế Anh đánh giá.
Thống kê trong quý 1/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, song đây là mức tăng vừa phải. Để đạt kết quả đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng có tác động về điều chỉnh chính sách tài khóa, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm nhiều loại thuế, phí; trong đó có lệ phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không...
Ngoài ra, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Nhờ đó, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… Ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng.
"Nghị quyết số 18 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được ban hành kịp thời, góp phần ổn định giá xăng dầu trước biến động của giá dầu thô trên thị trường thế giới. Từ đó, làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, ổn định lạm phát, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, phù hợp với quan điểm và mục tiêu tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội", ông Hưng cho hay.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho hay, dự báo thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát và các chuỗi cung ứng được phục hồi, tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo thuế suất FTA sẽ tăng trở lại.
"Do đó, việc Bộ Tài chính điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo tôi là phản ứng chính sách tài khóa rất linh hoạt nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Đồng thời, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", ông Quỳnh nhận định.
"Với các hàng hóa đầu vào khác cũng vậy, nếu Chính phủ có đủ nguồn lực tài khóa thì cũng có thể cân nhắc tiếp tục giảm các loại thuế, phí liên quan. Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn trong việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, để duy trì sản xuất và khơi thông chuỗi cung ứng, nhất là những mặt hàng thiết yếu vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng tính CPI", ông Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, để nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian từ 3-6-9 tháng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào sẽ giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế trong năm 2022", lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.