Giá nhiều loại hàng hóa đang tăng cao bất thường, cần kiểm soát việc ‘té nước theo mưa’
(DNTO) - Theo chuyên gia, trước việc giá xăng dầu tăng, không ít hộ sản xuất, kinh doanh đang thực hiện việc ‘té nước theo mưa’, khiến giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao bất thường so với mức tăng bình thường.
Hàng hóa trong cơn 'bão giá'
Tuần qua, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục tăng nhẹ (từ 1.000-4.000 đồng/kg), ở mức 52.000-57.000 đồng/kg. Giá nhiều loại rau củ vẫn ở mức cao, thậm chí tiếp tục đà tăng. Theo khảo sát của Doanh Nhân Trẻ, giá nhiều loại rau củ đều cao hơn tuần trước từ 3.000-5.000 đồng/kg hoặc một mớ. Giá các mặt hàng khác như dầu ăn, nước mắm, mì tôm cũng đồng loạt leo thang.
Đại diện siêu thị AEON Việt Nam cho biết, tính đến giữa tháng 3, đã có khoảng 5% các nhà cung cấp mặt hàng thiết yếu cho siêu thị đề nghị tăng giá bán 5%-10%. Các nhà cung cấp hàng tươi sống, đông lạnh nhập khẩu cũng đề xuất tăng giá do chi phí vận chuyển tăng cao. Nhiều công ty cho biết đã nhận được thông báo tăng 10-30% từ các nhà cung cấp nguyên vật liệu.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lạm phát cơ bản trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,68%). Theo cơ quan này, những con số trên phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng trong thời gian qua.
Không loại trừ việc ‘té nước theo mưa’
Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng 40-60% kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng tăng mạnh, từ 20-40%. Việc tăng giá xăng dầu trên thế giới dẫn đến tăng giá cả hàng hóa trong nền kinh tế quốc dân là việc đã được dự báo. Tuy nhiên, những biến động lớn như xung đột Nga và Ukraina làm cho nền kinh tế thế giới tiếp tục chao đảo, dẫn đến việc giá dầu thay đổi đột biến, khiến giá hàng hóa cũng tăng bất thường.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, ảnh hưởng của giá xăng dầu đến sản xuất tương đối lớn, tác động 3,5% với nền kinh tế và 1,5% đối với đời sống người dân.
Tuy nhiên, không loại trừ việc một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cố tình ‘té nước theo mưa’. Ví dụ hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng giá đầu vào như sắt, thép, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng giá để quyết định tăng giá sản phẩm một cách bừa bãi, khiến giá cả thị trường náo loạn, là tác động rất lớn làm tăng lạm phát.
“Nếu như giá đầu vào tăng lên thì đương nhiên giá thành cũng sẽ tăng lên và giá cả bán ra thị trường tăng, nhưng phải tăng phù hợp. Ví dụ, xăng dầu tăng 10% thì tác động thế nào đến các ngành nghề, đó là vấn đề cần phải tính toán.
Nếu xăng dầu chiếm 35-40% chi phí của các doanh nghiệp vận tải, thì khi xăng dầu tăng 10% sẽ chỉ tác động tăng 3,5-4% giá thành dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số đơn vị tăng giá thành vận tải khá cao. Hay các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm thịt cá, thời gian qua tăng đến 30-40% hay rau củ quả tăng 100%, như vậy đây là mức tăng chưa phù hợp, có sự té nước theo mưa. Vì vậy hiện giá cả hàng hóa tăng cao bất thường so với mức tăng bình thường”, ông Thịnh phân tích.
Để giảm thiểu tác động từ việc tăng giá hàng hóa kiểu “té nước theo mưa”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cần thường xuyên kiểm tra sự tăng giá đầu vào của các mặt hàng, ngành hàng, các sản phẩm hàng hóa, để từ đó xác định khả năng tăng giá đầu vào tác động thế nào tới giá thành và giá bán sản phẩm trên thị trường, đảm bảo mức tăng giá phù hợp, nhằm quản lý tốt lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Mới đây, kết luận trong cuộc họp về điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh, công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn, do đó, không được lơ là chủ quan.
Vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là cần tăng cường kiểm tra việc công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường, để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.