Cách điều hành lạm phát: Đã đến lúc phải thay đổi?
(DNTO) - "Cách điều hành lạm phát của chúng ta cũng phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới. Tôi đề nghị Ban chỉ đạo điều hành giá cần có thêm những công cụ phân tích dự báo một cách kịp thời hơn, chính xác hơn, để không phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận.
Xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát tăng
Bước sang năm 2022, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Các chuyên gia nhận định sẽ có nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu này nhất là trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức và đặc biệt là còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ diễn biến dịch bệnh, lạm phát và tình hình căng thẳng ở Nga- Ukraine.
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến chủ đề “kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, chiều nay, 9/3, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng, tình hình dịch bệnh bùng phát phức tạp khiến giá nguyên vật liệu mất ổn định.
Cụ thể, những giá biến động thất thường như giá thịt lợn, giá thép...và đặc biệt là giá xăng dầu trong giai đoạn vừa qua tăng rất cao, "bồi" thêm yếu tố xung đột giữa Nga và Ukraine, sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất giá thành sản phẩm của chúng ta. Đây là một trong những vấn đề rủi ro nhất trong năm 2022 mà chúng ta phải đối mặt.
"Xăng dầu là "huyết mạch" của nền kinh tế, năm nay với các lạm phát về xăng dầu thì tôi cho rằng kịch bản có thể vượt 4%, không đạt mục tiêu kỳ vọng, như vậy công tác điều hành dự báo giá cả cần phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm để chủ động ứng phó và lên sẵn các phương án điều hành...", ông Định cho hay.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định, áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn, thứ nhất là tổng cầu tăng đột biến sau khi khắc phục cơ bản thành công đại dịch Covid-19, đặc biệt sắp tới sẽ có gói hỗ trợ hơn 350.000 tỷ.
Thứ hai, theo ông Lâm: “Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng thêm 10%, thì lạm phát sẽ tăng theo 0,26%. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng tới 60%, như vậy áp lực lạm phát là rất lớn. Nếu chỉ xét riêng 2 tháng đầu năm 2022, giá xăng đã tăng 45%. Lạm phát trong 2 tháng đó là 1,68%, riêng lạm phát liên quan tới xăng dầu là 1,63%”, ông Lâm thông tin.
"Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế", ông Lâm nhận định.
Thứ ba là đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn chưa được giải quyết. Ngoài ra, thiếu hụt lao động cũng sẽ tác động đến lạm phát bởi thiếu hụt lao động thì doanh nghiệp cũng phải mất một nguồn chi phí lớn để đào tạo.
Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng cao sẽ tạo ra mặt bằng giá mới khiến cho tất cả mọi quyết định về sản xuất kinh doanh, quyết định đầu tư đều phải tính toán lại, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.
"Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế", ông Lâm nói.
Ông Lâm đặt câu hỏi cơ quan điều hành sẽ sử dụng Quỹ bình ổn như thế nào? Ngoài ra, Bộ Tài Chính phải theo dõi rất sát giá tiêu dùng các mặt hàng để nắm được các chỉ tiêu, phân tích được nguyên nhân tại sao mặt hàng đó tăng giá.
Cách điều hành lạm phát đã đến lúc phải thay đổi
Ông Định cho rằng, để kiểm soát lạm phát trong năm 2022, đầu tiên là chúng ta phải điều hành chính sách tiền tệ phối hợp linh hoạt đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời tăng cường công tác dự báo để nhận diện tình hình thị trường để chuẩn bị các kịch bản với giá dầu thế giới đang diễn biến thất thường như hiện nay, chúng ta phải lường trước được để có giải pháp chuẩn bị triển khai ngay trong điều kiện bất thường.
Đặc biệt, theo ông Định, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, tăng cường thanh tra kiểm tra để tránh hành vi trục lợi, găm hàng.
Về phần mình, ông Lâm cho rằng, cách điều hành lạm phát của chúng ta đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới.
"Tôi đề nghị Ban chỉ đạo điều hành giá Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch& Đầu tư, Bộ Công thương, cần nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị thế giới và có thêm những công cụ phân tích dự báo một cách kịp thời hơn, chính xác hơn, để không phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài", ông Lâm nhìn nhận.
"Chẳng hạn như về xăng dầu, ngoài chuyện dùng Quỹ bình ổn thì cơ bản vẫn phải đảm bảo nguồn cung - có thể từ nguồn cung trong nước, từ nhập khẩu, hay bài toán dự trữ thế nào để có thể dùng tới khi gặp những biến động...Tóm lại, chúng ta cần phải nhanh nhạy, linh hoạt hơn và đổi mới hơn, chỉ có vậy mới có thể điều hành thành công được", ông Lâm phân tích và nhấn mạnh, chỉ khi chúng ta có giải pháp tổng thể, chi tiết với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng.