Với nền kinh tế tiêu thụ nhiều xăng dầu và đang trong đà hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 như Việt Nam, những tác động của việc tăng giá xăng dầu không phải là nhỏ.

Nhiều ngành kinh tế phải đối mặt khó khăn và điều này dự báo sẽ gây nên áp lực lạm phát trong năm 2022, khiến mục tiêu giữ vững lạm phát dưới 4% của Chính phủ trở nên nan giải hơn.

Để giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, PV Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Lê Thái Hà, Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright.

61

* PV: Giá xăng qua kỳ điều chỉnh bật tăng cao theo xu hướng của thế giới. Theo Tiến sĩ điều này có ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế đất nước sau đại dịch?

- TS. Lê Thái Hà: Giá xăng tăng do các cú sốc đến từ cung hay cầu thì sẽ có những hàm ý khác nhau cho phát triển hay hồi phục của nền kinh tế.

Tuy nhiên, giá xăng tăng gần đây chủ yếu là do khủng hoảng năng lượng và gián đoạn nguồn cung nhiều hơn là do vấn đề nhu cầu tăng, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Hơn nữa, các nền kinh tế đang phát triển như nước ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nền kinh tế tiên tiến vì nền kinh tế của chúng ta tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn do tập trung vào các ngành sản xuất, chế tạo, xây dựng, công nghiệp nặng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nền kinh tế trong năm 2021.

Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có thể ảnh hưởng rất tiêu cực tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu vốn đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch như ngành du lịch (vận tải hành khách đường bộ/đường thủy), ngành hàng không.

63

* Với việc giá xăng dầu tiếp tục leo thang thì liệu Việt Nam có giữ được mục tiêu lạm phát dưới 4%, thưa Tiến sĩ?

- Giá dầu thô trên thế giới tác động rất lớn đến giá xăng dầu trong nước vì chúng ta không đủ nguồn cung nội địa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của nền kinh tế (nguồn cung hiện tại trong nước chủ yếu đến từ hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn và chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu nội địa).

Giá xăng dầu rất “nhạy cảm” với các lí do liên quan đến địa chính trị, nên với bối cảnh bất ổn toàn cầu leo thang như hiện tại, chúng ta chưa nhìn thấy được tương lai gần của việc giá nhiên liệu bình ổn trở lại. Giá dầu thế giới hiện đã ở mức trên 100 USD/thùng.

Giá xăng dầu có mối quan hệ khăng khít với tỷ lệ lạm phát. Xăng dầu được sử dụng nhiều nhất trong vận tải. Do đó, khi giá dầu tăng, tất cả hàng hóa được vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí vận tải cao hơn.

Về lâu dài, giá xăng dầu tăng cao khiến người lao động tìm kiếm mức lương cao hơn để duy trì sức mua hàng hóa. Những yếu tố này dẫn đến lạm phát do chi phí đẩy. Giá xăng dầu tăng cũng làm tăng lạm phát kỳ vọng, và có thể dẫn đến tác động lâu dài đến mức độ lạm phát thực, cũng như mức lãi suất và tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế, giá xăng dầu đóng góp tỷ trọng khá đáng kể vào chỉ số lạm phát hàng tháng ở nước ta (theo số liệu gần đây là ở mức 0,36%, nghĩa là khi giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ kéo theo chỉ số lạm phát tăng thêm 0,36 điểm phần trăm).

Mặt khác, nguyên liệu của hai nhà máy trên là dầu thô mà một phần không nhỏ cũng phải nhập khẩu để sản xuất nên cũng chịu áp lực tăng giá của thế giới. Vì vậy, việc giá xăng dầu tăng mạnh chưa thấy hồi kết như hiện tại sẽ gây áp lực rất lớn trong việc giữ được mục tiêu lạm phát dưới 4%, nếu không nói là không thể.

Nếu khủng hoảng xung đột giữa Nga và Ukraine không sớm chấm dứt, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều các quốc gia khác không tự chủ được nguồn cung xăng dầu sẽ đều phải đối mặt với vấn đề gia tăng lạm phát của nền kinh tế vì Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

64

* Thực tế kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản vẫn đang là những kênh hút mạnh dòng tiền. Điều này liệu có đáng lo ngại, thưa TS?

- Đầu tư vào chứng khoán sẽ tốt nếu phản ánh đúng cung-cầu và bức tranh phát triển thực tế vì thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán “đắm đuối” vào các hoạt động đầu cơ thì sẽ làm cho giá trên thị trường chứng khoán không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thực sự, hướng đến phát triển doanh nghiệp bền vững lại thấy khó huy động vốn.

Cũng như đầu tư bất động sản một cách đúng đắn thì sẽ giúp các nhà đầu tư trên thị trường này có thêm nguồn vốn để phát triển các dự án chất lượng, góp phần đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.

Còn nếu như sự sôi nổi của thị trường đến chủ yếu từ các giao dịch đầu cơ thì sẽ tạo ra mức giá ảo. Khi đó, người bán yêu cầu mức giá cao nhưng những người thật sự có nhu cầu mua nhà để ở thì không đủ điều kiện để làm việc đó. Điều này nên gây mất cân bằng cung cầu thực sự trên thị trường.

Nhìn chung, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động đầu cơ gây nhiễu loạn thị trường; trong khi đó, các hoạt động kinh doanh, sản xuất thực sự thì khó tiếp cận nguồn vốn hoặc không được “rót tiền” để đầu tư.

62

* Giá xăng tăng cao cũng tác động đến hoạt động doanh nghiệp, sau thời gian dài đã chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều người nói các doanh nghiệp đang được thêm “một cú bồi”. Vậy theo TS, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên được thiết kế theo hướng nào để có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp?

- Phần lớn với các doanh nghiệp thì giá xăng dầu sẽ là chi phí. Nên việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ làm gia tăng thêm khó khăn cho các doanh nghiệp để trụ vững trong mùa dịch bệnh.

Tôi nghĩ, các chính sách có thể tập trung hỗ trợ miễn, giảm các chi phí của doanh nghiệp mà là nguồn thu trực tiếp của Nhà nước như thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các chính sách khác có thể trợ giúp doanh nghiệp là yêu cầu ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, giảm và giãn nợ thêm cho doanh nghiệp. Những chính sách hỗ trợ này ngoài sự kịp thời cần được tính toán về mức độ để có thể có tác động thiết thực với doanh nghiệp.

Cuối cùng, đảm bảo nguồn cung cho xăng dầu trong nước là yếu tố quan trọng. Chính phủ có thể hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để đảm bảo nguồn cung nội địa. Bên cạnh đó, cũng cần thi hành các biện pháp để hạn chế tình trạng găm hàng, đẩy giá.

Xin cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn!

Hoàng Yến (thực hiện)