Giá vàng biến động mạnh, đầu tư vàng theo kiểu lướt sóng sẽ rất rủi ro
(DNTO) - Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kênh đầu tư vàng khá nhiều rủi ro, bởi giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng. Do đó, dòng vốn đổ vào vàng như là một kênh tích lũy thì không sao, nhưng đầu tư vào vàng theo kiểu lướt sóng thì nhà đầu tư đang nắm chắc đằng lưỡi.
Trước những biến động không ngừng của vàng, không những thế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục ở mức cao. Theo các chuyên gia, với diễn biến này, mua vàng lúc này rất rủi ro.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital, cho biết: Yếu tố địa chính trị là một trong những yếu tố tác động đến giá vàng. Tuy nhiên, ta cần xem xét một cách rộng hơn, đó là yếu tố về kinh tế, bao gồm: Lạm phát; sự tăng trưởng GDP hoặc sự rủi ro chung của nền kinh tế.
“Tôi nghĩ, yếu tố địa chính trị, cuộc chiến tranh trong thời gian vừa qua mang tính chất khu vực và nhỏ, chính vì vậy sự biến động của vàng là ngắn hạn. Tuy nhiên trong đợt này, ngoài yếu tố địa chính trị còn có yếu tố kinh tế, khi nguy cơ lạm phát vốn rất cao so với việc in tiền của các ngân hàng Trung ương và nền kinh tế, thì đợt này lạm phát không chỉ đến từ phía chính sách tiền tệ, mà nó còn đến từ phía cung. Gián đoạn nguồn cung, đặc biệt nguồn cung mang tính chất đầu vào của nền kinh tế, đặc biệt là dầu khí, nó sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao, và hai yếu tố đó cộng lại thì giá vàng sẽ có đà tăng trong thời gian tới chứ không ngắn như thời gian trước đây”, ông Tuấn phân tích.
Nhận định về giá vàng năm nay, ông Tuấn cho rằng: “Quan điểm của tôi, giá vàng trong năm nay có thể chinh phục mức 2.000 USD/oz. Khi phân tích vĩ mô, ta đang đối diện với chu kỳ mới là “đình lạm”. Nghĩa là GDP đình trệ, lạm phát tăng trưởng cao… Như vậy, vàng sẽ phát huy tác dụng”.
Đưa ra lưu ý với nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết: “Mọi người rất hay nhầm khái niệm giữa đầu tư và giao dịch vàng. Có nghĩa khi giao dịch, mọi người hay tận dụng sự tăng trưởng giá vàng lên hay xuống để mua bán. Còn tôi thiên về hướng đầu tư, nghĩa là tiền của tôi phân bổ vào các lớp tài sản, và lớp tài sản đó sẽ tăng trưởng trong tương lai”.
Ông Tuấn phân tích: “Nếu là nhà đầu tư, bạn nên đầu tư đều đặn, định kỳ sẽ mang lại lợi ích, khác hẳn với việc khi giá vàng lên thì đổ xô đi mua, giảm thì đổ xô đi bán. Như vậy, nếu bạn là nhà đầu tư không chuyên nghiệp, điều đó sẽ gây nhiều tổn thất. Bạn có thể trích một phần thu nhập của mình để đầu tư. Như thế, khoản tích lũy sẽ tăng lên và bảo toàn”.
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế bày tỏ: Thực tế kênh đầu tư vàng khá nhiều rủi ro, bởi lẽ giá vàng trong nước và thế giới không liên thông dẫn đến giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, nếu cho rằng vàng là tài sản mua đi bán lại thì phải cảnh giác, do tính thanh khoản kém, chênh lệch giá mua bán rất cao… Do đó, dòng vốn đổ vào vàng như là một kênh tích lũy thì không sao nhưng để đầu tư vào vàng theo kiểu lướt sóng thì e rằng nhà đầu tư đang nắm chắc đằng lưỡi.
Theo ông Long, với những người thiếu kiến thức tài chính, mù tịt về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì tốt nhất cứ bỏ tiền vào tiết kiệm. Cho dù lãi suất tiền gửi thấp vẫn tốt hơn là để tiền ngủ đông hoặc đổ tiền vào chứng khoán mà mua phải cổ phiếu đầu cơ dẫn đến chuyện âm tài khoản bất cứ khi nào.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh vàng trong nước điều chỉnh chênh lệch mua vào - bán ra quá cao sẽ đẩy rủi ro về phía người mua. Khi nhà đầu tư quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp.
Ông Hiếu lưu ý nhà đầu tư: "Bạn cần cân nhắc với "giỏ tài chính" của mình. Nếu có nhu cầu mua vàng thì chỉ nên mua những món nhỏ, không nên đầu tư và cũng không nên "bỏ trứng vào một giỏ", nếu có tiền nhàn rỗi chỉ dùng 1/3 để mua vàng, còn lại nên đầu tư vào các kênh khác nhau".