Chi phí đầu vào đang là nhân tố chính 'bóp nghẹt' tăng trưởng kinh tế
(DNTO) - Hiện nay, chi phí đầu vào tăng chóng mặt “thổi” giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bào mòn thu nhập người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Áp lực lớn từ "cú đấm bồi"
Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá hàng hóa cơ bản, xăng dầu, lạm phát và bất ổn địa chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp.
Từ góc độ doanh nghiệp, có thể nói giá xăng dầu tăng là "cú đấm bồi", khiến nhiều đơn vị chưa kịp hồi phục sau đại dịch Covid-19 lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn. Theo ước tính của ngành Nông nghiệp, giá nguyên liệu đầu vào, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp đã tăng 10-20% thời gian gần đây.
Các chuyên gia cho rằng, bối cảnh thế giới và trong nước tại thời điểm xác định mục tiêu tăng trưởng và lạm phát nêu trên so với hiện nay đã khác rất xa. Trong khi đó, nền kinh tế đang đối mặt với không ít thách thức như: chi phí sản xuất tăng, nhu cầu đầu tư thấp, tâm lý kỳ vọng lạm phát rất nhạy cảm... rất dễ dẫn đến tình trạng “lạm phát kèm suy thoái”.
Do vậy, Chính phủ sẽ rất khó lựa chọn mục tiêu, bởi nếu muốn tăng trưởng, buộc phải nới lỏng tiền tệ nhưng như vậy, sẽ kích hoạt lạm phát ngay lập tức.
Từ thực tế trên, giới phân tích nhận định Việt Nam đang hội tụ đủ 3 yếu tố cơ bản gây áp lực lên lạm phát là chi phí đẩy - cầu kéo - tiền tệ, trong đó, chi phí đẩy được xác định là yếu tố chi phối.
Chia sẻ tại Đối thoại chuyên đề: "Vòng xoáy lạm phát: Kiểm soát chi phí đẩy", sáng nay ngày 4/4, ông Đặng Công Khôi Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, nhận định, chi phí đẩy hiện là thách thức lớn nhất, phải kiểm soát được vấn đề này thì lạm phát cơ bản sẽ đạt được mục tiêu.
"Chúng tôi cũng sẽ tính toán đến kịch bản lạm phát do cầu kéo. Tổng cầu đang dần phục hồi, đây là một điều đáng mừng vì sức khỏe của nền kinh tế đang bắt đầu hồi phục và các chính sách vĩ mô bắt đầu phát huy tác động tích cực đến nền kinh tế", ông Khôi đánh giá.
Ông Khôi cũng nhấn mạnh, cần lưu ý kiểm soát là lạm phát kỳ vọng bởi tác động ghê gớm đến tâm lý chung khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao kỷ lục và các chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu nhiều áp lực. Việc kiểm soát lạm phát kỳ vọng cũng sẽ là một thành công rất lớn.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng cấu phần tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng. Thông qua sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá đầy đủ khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định không có sự kích hoạt lạm phát.
Đáng chú ý, ông Trung cho rằng, chi phí y tế và giáo dục vẫn phải tăng để phù hợp với thị trường. Mặt khác, hiện tại, do chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa tăng theo ngày. Hay như diễn biến người dân không tái đàn lợn, trong khi nhu cầu thực phẩm vẫn không đổi...
"Yếu tố chi phí đẩy mặc dù chưa làm bùng cháy lạm phát nhưng cũng đang phả "hơi nóng". Cụ thể, vấn đề năng lượng rất khó đoán, khó để kiểm soát do vẫn phải phụ thuộc vào thị trường quốc tế", ông Trung nhận định.
"Còn nhớ năm 2017, kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu, thì nay kịch bản còn không tốt hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 40% và lạm phát tăng 1,44-2,7%", ông Trung nói.
Với các cấu phần như vậy, ông Trung dự báo, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 4% rất khó khăn và tạo áp lực lớn cho nhà điều hành. Lạm phát trung bình cả năm 2022 vẫn có thể đảm bảo ở mức 4%, nhưng tính từng tháng và so với cùng kỳ năm trước sẽ vượt qua ngưỡng này ở những tháng cuối năm.
Kịch bản nào hạ nhiệt lạm phát?
Ông Đặng Công Khôi cho hay, trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.
"Với diễn biến CPI của quý 1 vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan", Lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định.
Thời gian tới, việc tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá cũng cần được đề cao hơn.
Bản thân các doanh nghiệp cung ứng phải tính toán lại các chi phí sản xuất, các yếu tố hình thành giá hợp lý, giảm giá thành. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách tháo gỡ các khó khăn các chính sách, tài chính - tiền tệ hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa một cách bình thường.
"Để điều hành giá xăng dầu linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, tăng cường quản lý thị trường đảm bảo nguồn cung xăng dầu là một trong những điều kiện tiên quyết để bình ổn thị trường", ông Khôi nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Đức Trung kiến nghị, nhà điều hành nên thể hiện tính linh hoạt với thị trường trong thời điểm hiện tại. "Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện tính linh hoạt và thị trường".