Bị ép giá khi mua xăng từ thế giới, cách nào để Việt Nam đảm bảo nguồn cung xăng dầu?
(DNTO) - Việt Nam vẫn đang nhập khẩu khoảng 40-50% xăng dầu. Trong khi giá dầu thế giới thời gian qua tăng đột biến, từ 40-60%, đã gây áp lực không nhỏ đến chuỗi cung ứng xăng dầu.
Chưa vơi áp lực xăng dầu
Năm 2021, cả nước nhập khẩu khoảng 6,3 triệu m3 xăng dầu các loại, chiếm 30% tổng nguồn cung xăng dầu trong nước là 20,5 triệu tấn.Tuy nhiên đầu năm 2022, do sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công thương buộc phải chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu.
Như vậy, với khoảng 40-50% lượng xăng dầu trong nước đến từ nguồn cung bên ngoài, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Do vậy, những ngày qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, từ 40-60%, thì giá cơ sở xăng dầu Việt Nam cũng tăng mạnh.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo liên bộ Công thương – Tài chính phải có giải pháp kiềm chế lạm phát trước diễn biến phức tạp của giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) vì phải chi liên tục nên gần cạn kiệt, trong khi đó quỹ phải được đảm bảo để doanh nghiệp đầu mối có động lực nhập khẩu. Vì vậy, nếu điều hành giá quá thiên về CPI, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… mà không quan tâm tới lợi ích của doanh nghiệp đầu mối, xăng dầu, thì khó đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh nhập khẩu khó khăn.
“Trong bối cảnh, nhà cung cấp thế giới thấy thị trường trong nước có sự gián đoạn nguồn cung, chúng ta mua xăng bị ép giá. Vì thế, cần tính toán hài hòa, vừa đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng, vừa kiểm soát lạm phát, phục hồi kinh tế”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ rằng, thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao khiến chiết khấu tại kho liên tục giảm, thậm chí bằng 0 hoặc âm nếu tính cả chi phí vận tải, mặt bằng, vận hành. Để tiết giảm lỗ, doanh nghiệp phải dừng bán, bởi họ phải đảm bảo việc kinh doanh có lãi để trả cổ tức cho cổ đông hay nộp thuế doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề của cơ quan chức năng cần điều hành nguồn cung tốt hơn.
Cần giải pháp dài hơi
Bộ Công thương có đề nghị tăng dự trữ quốc gia đối với mặt hàng xăng dầu lên hàng chục lần, từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ lọc dầu và thành phẩm. Bởi lẽ theo Bộ này, thời gian qua, một số quốc gia như Trung Quốc rất linh hoạt trong tăng cường nhập khẩu và dự trữ quốc gia nhờ mua dầu thô giá rẻ và bơm ra thị trường, vừa lợi về kinh tế, vừa là công cụ điều tiết thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng dự trữ quốc gia cần phải được xem xét thấu đáo, thậm trọng để quyết định tăng bao nhiêu là hợp lý, tăng từ nguồn nào và trách nhiệm của các bên liên quan ra sao.
Bởi xét về góc độ Bộ Công thương, đơn vị quản lý cung cầu hàng hóa thị trường, việc đề nghị tăng nguồn dự trữ nhiều hơn để dễ quản lý là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng điều hành theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước biến động từng ngày, từng giờ theo giá thế giới. Trong khi đó, Việt Nam chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại, và dự trữ quốc gia vẫn nằm chung trong kho dự trữ của doanh nghiệp đầu mối.
Chính các cơ quan quản lý cũng không quản lý được lượng hàng trong kho dự trữ quốc gia tại 33 thương nhân đầu mối là bao nhiêu. Đây cũng là lỗ hổng cần khắc phục mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ra trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.
Chưa kể, chỉ riêng việc chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu để đáp ứng nguồn cung vẫn còn rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ. Bởi trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo toàn nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng khi nhập khẩu lượng lớn, ở mức giá cao theo chỉ đạo quản lý nhà nước, sau đó giá dầu tụt dẫn đến giá bán tụt, doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, vậy ai sẽ bù lỗ cho doanh nghiệp? Điều này cần có cơ chế rõ ràng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô, vì vậy cần tính đến nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước trên cơ sở trích nộp từ nguồn dầu thô xuất khẩu để tăng hiệu quả sử dụng quỹ BOG và góp phần chủ động ứng phó với biến động mạnh của giá dầu thế giới và đảm bảo giá trị nguồn tài nguyên quốc gia sử dụng hiệu quả.
Còn về phía Bộ Công thương, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, cần giải pháp dài hơi là tính toán công cụ thuế phí linh hoạt hơn, chuyển đổi dần cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.
Hiện, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang đề xuất cần tách bạch hệ thống dự trữ xăng dầu quốc gia và thương mại riêng. Đồng thời, nghiên cứu việc trích lập quỹ BOG bằng dự trữ, bên cạnh bằng tiền như trước đây để có thêm công cụ điều hành xăng dầu linh hoạt.