Trợ lực cho doanh nghiệp 'dễ thở' hơn trong bối cảnh lạm phát
(DNTO) - Chi phí đầu vào tăng chóng mặt phả sức nóng vào giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bào mòn thu nhập người dân. Quay quắt trong cơn bão giá, doanh nghiệp rất cần những chính sách trợ lực để giải bài toán sinh tồn.
Hiện nay, kiểm soát lạm phát đang là bài toán khó. Không chỉ do giá xăng hay giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, lo ngại lạm phát còn khởi nguồn từ tăng trưởng tín dụng ngân hàng, từ việc giải ngân các gói hỗ trợ, tăng mức đầu tư công cho hạ tầng kinh tế - xã hội.
Thông thường, tín dụng ngân hàng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, nhưng đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ.
Trong bối cảnh gặp khó khăn "kép", khi áp lực về việc tăng giá chóng mặt các mặt hàng nguyên liệu đầu vào trong khi sức mua của thị trường còn yếu, để ứng phó, nhiều doanh nghiệp cho biết đang nỗ lực cải tiến liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu các chi phí để bù lại giá cả đầu vào tăng.
"Công ty linh hoạt đàm phán lại mức giá với đối tác, cùng chia sẻ khó khăn, chi phí vận chuyển với đơn vị. Đối với những đơn hàng xuất khẩu mới, công ty chọn cách ký hợp đồng ngắn hạn thay vì dài hạn như trước, rút ngắn thời gian thanh toán nhằm bảo đảm nguồn vốn. Về lâu dài, Công ty cũng sẽ sáng tạo sản phẩm mới, đầu tư công nghệ để tiết giảm chi phí vận hành, đồng thời tăng cường chiến lược tiếp cận thị trường, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường, dự báo giá cả, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp", ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái cho hay.
Để gỡ nút thắt cho doanh nghiệp "dễ thở" hơn, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trong mọi tình huống. Đặc biệt, cần nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, dự báo sản xuất phù hợp và tận dụng tối đa những lợi thế về thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đây cũng là lúc phát huy sức sáng tạo và chủ động của doanh nghiệp để giảm tải tác động của cơn "bão giá", cũng là dịp để doanh nghiệp tự nhìn nhận lại mình, nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững trước những biến động bất thường của thị trường.
Tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP.HCM mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng, để bù đắp chi phí sản xuất, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống.
Bài toán thay đổi về “chất” như công nghệ mới, quản trị hiện đại... sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Nêu quan điểm, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng, cần gióng lên hồi chuông về nguy cơ lạm phát cao để Chính phủ, Quốc hội có biện pháp xử lý hiệu quả. Sớm có giải pháp, lạm phát trong tầm kiểm soát, đời sống người dân và doanh nghiệp sẽ bớt vất vả...
"Chúng ta không kỳ vọng ổn định giá mà là giảm thiểu tối đa tác động của nó đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, tránh xảy ra tình huống lạm phát cao, thông qua nhiều công cụ: thuế, điều hành, tổ chức sản xuất và cân đối cung cầu. Đừng sợ giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế để kiểm soát giá. Bởi vì để xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn
Khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà ngay người dân cũng không có nhiều thu nhập để nộp thuế thu nhập cá nhân. Hy sinh trước mắt để có lâu dài. Bài học từ việc ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của năm 2011 rất có giá trị để tham khảo", ông Ngân cho hay.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt nhất hiện nay, theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần sớm đẩy nhanh thực hiện các chủ trương, chính sách.
“Quan trọng nhất hiện nay là chính sách miễn giảm thuế, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện các chính sách đã có chính sách rất đúng, không sai nhưng thực hiện chậm, lỡ nhịp sẽ dẫn đến vô nghĩa. Một trong những vấn đề quan trọng đó là tất cả các chủ trương đã đưa ra làm sao để triển khai được nhanh. Và để đẩy nhanh cần có chế tài giám sát chặt chẽ”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.