Đừng để giá xăng 'cuốn trôi' túi tiền người dân nghèo
(DNTO) - Theo các chuyên gia, nếu chúng ta bỏ qua thời cơ để giảm giá xăng dầu hiện nay sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đổ vỡ, và mong mỏi lớn nhất của người lao động lúc này là sự "chia lửa" của nhà điều hành. Đừng xa rời thực tế cuộc sống, "đừng để lạm phát cuốn trôi người dân nghèo”.
Chúng ta đều biết giá xăng dầu đã tăng 60% so với trước đại dịch, từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng 5 lần với biên độ mạnh, 1 lít xăng đã có giá bán lẻ trên 31.000đ, và theo tính toán của các chuyên gia, khả năng tới ngày 13/6 có thể tăng lên trên 32.000đ/lít.
Việc tăng giá xăng dầu đã trực tiếp và gián tiếp làm tăng giá vận chuyển hàng hoá và làm tăng giá các loại hàng hoá tiêu dùng trên thị trường, gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,38% trong tháng 5.
Đến cá nhân người sử dụng xe máy hay ô tô cũng giật mình khi móc ví ra trả tiền đổ xăng vì thấy như “bị mất trộm”. Nếu như trước đây, người tiêu dùng cầm tờ 500.000 đồng có thể hô dõng dạc “đầy bình”, thì nay phải ngậm ngùi rút thêm tờ nữa mà khó có cơ hội được trả tiền thừa. Với ô tô là vậy, còn xe máy cũng đã vượt ngưỡng 100.000 đồng cho một lần đổ đầy bình.
Khá nhiều doanh nghiệp sản xuất đã không có lãi hoặc bị lỗ, một số ngư dân không ra khơi đánh cá vì sợ bị lỗ, còn các gia đình phải tiết kiệm chi tiêu, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng gặp khó khăn hơn.
Những hệ quả của việc tăng giá xăng dầu không những gây khó khăn trước mắt mà còn để lại những hậu quả khá lâu dài trong những năm tiếp theo...
Điều người dân cần nhất bây giờ là sự chia sẻ từ các cơ quan liên quan, ở thời điểm khó khăn này hãy sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thu góp trong bao nhiêu năm qua, giảm giá xăng dầu để "chia lửa" với dân. Giá xăng dầu càng tăng thì số thuế phí của xăng dầu lại tăng theo, ước tính đến 30%.
Có quá nhiều câu hỏi đang đặt ra: Quỹ bình ổn xăng dầu bây giờ của Việt Nam đang ở đâu? Tại sao chưa được sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu? Tại sao không giảm thuế xăng dầu để kích cầu kinh tế hồi phục hậu Covid-19?...
Bên cạnh đó, chế độ thuế với xăng dầu có nhiều loại, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Thiết nghĩ, đây là mặt hàng thiết yếu, sử dụng phổ thông, người có điều kiện thì đi ô tô, người còn khó khăn thì đi xe máy. Xe điện còn ít chưa phổ biến nên hàng ngày cứ phải bật nắp, móc ví trả tiền.
Đây là mặt hàng xăng chứ không phải xa xỉ phẩm, xe siêu sang hay thuốc lá, rượu bia vậy mà phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, nghe rõ ràng vô lí mà không biết kêu ai?
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay: "Gần đây nhất, tại diễn đàn của cuộc họp Quốc hội đang diễn ra, đại diện một số bộ, ngành vẫn nhắc đi nhắc lại một số điệp khúc như: 'So với nước lân cận như Lào, giá xăng tại quốc gia này còn cao hơn giá xăng ở Việt Nam từ 10.000 - 11.000 đồng/lít. Giá xăng ở Campuchia, Thái Lan đều cao hơn Việt Nam. Nếu hạ giá xăng sẽ dẫn tới nguy cơ buôn lậu xăng dầu. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương lo lắng ép giá xăng dầu xuống thấp sẽ thiệt hại cho nền kinh tế, sợ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, thao túng tiền tệ...?'. Lý luận trên của hai ngành mới nghe ban đầu có vẻ đúng, nhưng nếu phân tích kỹ về lợi và hại của việc giảm giá xăng dầu trong gia đoạn hiện nay thì lại "có vấn đề", ông Phú thẳng thắn.
Ông Phú lý giải, về vấn đề buôn lậu xăng dầu là có thật, tuy nhiên chúng ta có hàng vạn chiến sĩ hải quan biên phòng, công an kinh tế, quản lý thị trường... Họ đang làm tốt công việc mà họ được phân công.
Còn việc hạ giá xăng, giảm thuế phí xăng mà Bộ trưởng Bộ Tài Chính nói: “Sẽ bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp”, thì Malaysia đã làm từ lâu rồi, ở nước họ xăng dầu không có thuế phí trong cơ cấu giá bán lẻ và hiện đang bán ở mức 13.000đ/lít, đã có ai hoặc tổ chức nào kiện họ đâu?
"Nhìn sang ngay trong Đông Nam Á, hiện tại giá xăng tại Malaysia chỉ khoảng 11.000 đồng/lít. Chính phủ Malaysia trợ giá xăng dầu đến 1.95 tỉ USD trong năm 2021 chiếm 2,6% tổng chi tiêu của Chính phủ. Người dân không cần nghe lý do, trình bày mà chỉ có câu hỏi: Tại sao họ làm được mà mình không làm được trong khi có nhiều sự tương đồng", ông Phú bày tỏ.