Đại biểu Quốc hội: Sửa Luật thanh tra để chấm dứt gánh nặng thanh, kiểm tra cho doanh nghiệp
(DNTO) - Trước phiên thảo luận tại Hội trường chiều 13/6 về dự án Luật Thanh tra sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình chia sẻ, cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng thanh tra là doanh nghiệp. Ông hy vọng, đây là thời điểm chấm dứt các gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp.
Ông Hiếu khẳng định: Bên cạnh mặt tích cực, tình hình thanh, kiểm tra doanh nghiệp vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp: Điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra.
Cùng với đó là hiện tượng nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp của công chức thanh tra. Kết quả khảo sát của Dự án PCI 2021 vẫn ghi nhận trên 67% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với các đoàn thanh tra xây dựng, môi trường, thuế, phòng cháy, chữa cháy... Những năm trước, tỷ lệ này cao hơn nhiều.
Thực trạng thanh tra như nêu trên vẫn rất đáng quan ngại, trong đó, trung bình khoảng 20% phải trả chi phí không chính thức, trung bình 14% doanh nghiệp cho biết vẫn bị phiền hà khi bị thanh tra, trung bình 9% doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp...; trung bình 10% bị thanh tra trên 3 lần/năm. Theo điều tra này, Gánh nặng thanh, kiểm tra dường như gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, trong vài năm qua, nhiều chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh hoạt động này, như Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2020 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký.
Trước đó, năm 2016, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng có quy định riêng nội dung về thanh tra, kiểm tra, yêu cầu “ các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải “theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế”...
"Tuy nhiên, đây là các chỉ đạo hành chính, không bền vững, không khiến doanh nghiệp an tâm. Những nội dung này phải được luật hóa. Và việc sửa đổi Luật Thanh tra là cơ hội để thực hiện yêu cầu này. Đây là lý do tôi đề nghị cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng của hoạt động thanh tra là doanh nghiệp. Điều nay tôi chưa thấy có trong dự thảo Luật Thanh tra đang trình Quốc hội", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu kiến nghị, khi xây dựng quy định về thanh tra chuyên ngành, cơ quan soạn thảo nên chủ động tham khảo ý kiến, tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, không nên bị động. "Theo tôi lần này tiếp cận một cách tích cực hơn là chủ động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về quy định", ông Hiếu nhấn .