Thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 8 ngân hàng
(DNTO) - Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có Techcombank, HDBank, TPBank và SHB, theo Báo Thanh tra Việt Nam.
Ngoài 4 ngân hàng trên, Cơ quan TTGSNH còn tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng Đại chúng Việt Nam, Việt Nam Thương Tín, Đông Nam Á và Bảo Việt.
Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng. Riêng Ngân hàng Bảo Việt không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.
Đoàn Thanh tra đã trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Đồng thời gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về xử lý các sai phạm liên quan đến sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Trước đó, ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các chủ đề nóng trên thị trường hiện nay. Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt xấp xỉ 660.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 10% GDP. Trong đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán là hai nhóm mua vào lớn nhất trên thị trường.
Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng đầu tư tính đến hết 31/3/2022 là hơn 344.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm trước đó.
Trong đó, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng TPDN nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021. Mức tăng mạnh của TPDN đã đẩy tỷ trọng TPDN trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022. Đây có thể là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
Nhận định về thị trường trái phía doanh nghiệp trong thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam tăng trưởng quá nóng, dễ xảy ra nhiều vấn đề. Giai đoạn 2017-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng khoảng 46%, riêng 2021 tăng trưởng hơn 56% nói lên một điều, thị trường này đang tăng trưởng quá nóng, từ đó có thể có những vấn đề mà chúng ta cần xem xét.
"Chúng ta cần xem xét để điều chỉnh hoạt động của thị trường này, đảm bảo trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn, thượng tôn pháp luật. Hơn nữa, còn để đảm bảo cho cả thị trường chứng khoán của chúng ta phát triển an toàn và bền vững trong tương lai", ông Thịnh nói.
Ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước là cần thiết nhằm thanh lọc và giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững. Song các chuyên gia cũng băn khoăn: Việc chấn chỉnh thị trường cũng nên cẩn trọng, kiểm soát là cần thiết nhưng không thể kìm hãm thị trường phát triển.