Siết quản lý nhưng không kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp
(DNTO) - Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thời gian qua các doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn, nếu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cứ tiếp tục bị "siết chặt” lại thì đó là tín hiệu không tốt cho thị trường bất động sản, một trong những trụ cột của nền kinh tế.
Ông Châu nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp bất động sản, có 2 kênh rất vốn rất quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Việc “siết chặt” thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng nên cẩn trọng. Dù giai đoạn 2008 – 2011 chưa có trái phiếu doanh nghiệp, nhưng khi ngân hàng thắt chặt nguồn vốn tín dụng, thì thị trường bất động sản đã bị đóng băng và phải nhờ đến sự giải cứu của Nhà nước.
Theo ông Châu, thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang siết dần tín dụng ngân hàng vào bất động sản theo lộ trình đến cuối năm tới sẽ giảm còn 30% GDP. Ngay trong năm 2017– 2018, các doanh nghiệp đã tập trung tìm kiếm nguồn vốn thay thế, cho nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất mạnh trong 4 năm trở lại đây. Đây là việc làm đi đúng chủ trương vì nguồn vốn ngân hàng chỉ là ngắn hạn.
“Việt Nam hiện chỉ có duy nhất quỹ đầu tư Techcom, trong khi dư địa về trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn rất lớn so với các nước trong khu vực. Việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết nhưng không nên thắt chặt như vừa qua. Chỉ sau một số vụ việc, nguồn vốn của doanh nghiệp đã bị ách tắc”, ông Châu chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, thực hiện tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp là rất quan trọng, cần có lộ trình để bắt buộc đánh giá tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp, bởi làm như vậy không chỉ có thể kiểm soát được các doanh nghiệp phát hành về vấn đề cung cấp thông tin và minh bạch thị trường, mà còn giảm bớt các nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực từ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, việc sử dụng vốn của doanh nghiệp sau phát hành trái phiếu cũng không nhất thiết phải cứng nhắc, đúng mục đích cụ thể vào dự án được đưa ra khi thực hiện phát hành. Bởi vì, tiến độ thực hiện một dự án có thể kéo dài từ 3-5 năm, nên cần hiểu một cách thấu đáo vấn đề sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo ông Châu, khi doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, các nhà đầu tư, các cơ quan công quyền chỉ cần căn cứ vào bản công bố kế toán của doanh nghiệp là có thể nắm được cơ chế sử dụng vốn từ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
“Đề nghị các cơ quan tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng tính minh bạch để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và tăng tính trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tăng vai trò giám sát của cơ quan quản lý, đơn vị đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Thời gian vừa qua các doanh nghiệp đang cảm thấy sức ép rất lớn, nhất là việc rất khó tiếp cận nguồn vốn, nếu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cứ tiếp tục bị “siết chặt” lại thì đó là tín hiệu không tốt cho thị trường bất động sản, một trong những trụ cột của nền kinh tế”, ông Châu chia sẻ.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trường Bộ TN&MT cho rằng, phải hiểu đúng về dòng vốn từ trái phiếu.
"Dòng tiền trong dân còn rất nhiều, song vấn đề về quan niệm của người dân vẫn ưu tiên hơn với những khoản đầu tư hữu hình, đặc biệt là đất đai. Dòng tiền họ sử dụng đầu tư không đến nhiều từ đòn bẩy tài chính. Thực tế trên đã khiến cho thị trường nhà ở tăng cao, bất động sản sinh ra để đầu cơ tích trữ chiếm tỷ lệ rất cao. Minh chứng là tiền thu từ đất để thực hiện các dự án nhà ở chiếm tới 76% nguồn thu từ đất, trong khi đó số tiền thu từ tiền đất sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 16%", ông Đặng Hùng Võ cho hay.
Cũng theo ông, việc huy vốn từ trái phiếu doanh nghiệp thực chất cũng là một phương thức để đưa dòng tiền trong dân vào sản xuất kinh doanh. Song, việc học hỏi kinh nghiệm các nước về vấn đề này cần có sự chọn lọc.
"Vấn đề đảm bảo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển không nằm ở tài sản đảm bảo mà cần căn cứ vào mức tín nhiệm, sự phát triển, tiềm năng của nhà phát hành trái phiếu. Ở các nước phát triển, nhà đầu tư đặt niềm tin vào doanh nghiệp, minh chứng cho câu chuyện này là Tesla hay Microsoft. Chúng ta tư duy về điều này nên có góc nhìn tích cực hơn chứ không chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Mặt khác, theo GS. Đặng Hùng Võ, vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng là mấu chốt của vấn đề để có thể thúc đẩy huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất kinh doanh.