Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ
(DNTO) - Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, lòng tin nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Dù thị trường chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng những việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững", diễn ra chiều 19/5, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, với những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn, những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ mạnh mẽ khi hành lang pháp lý chưa hoàn toàn hoàn thiện và hạ tầng thị trường chưa thực sự đồng bộ; các chủ trương chính sách rà soát, quản lý thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung theo hướng sát sao minh bạch, hiệu quả để hướng đến triển vọng tương lai là hoàn toàn đúng đắn; song vẫn khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn.
Ông đánh giá, thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo, lớn gấp 3 lần thị trường vốn chủ sở hữu; trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung- dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, thị trường vốn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tương đương khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).
Trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023 của quốc gia.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn hiệu quả và bền vững, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu...
Phát triển thị trường trái phiếu: Bài học từ thị trường Mỹ
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, thị trường trái phiếu của Mỹ hiện nay lên đến khoảng 46 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 38% thị trường trái phiếu toàn cầu, nếu so với GDP của Mỹ năm 2021 khoảng 22,7 nghìn tỷ USD thì tổng dư nợ của thi trường trái phiếu của Mỹ lên đến trên 200% GDP của Mỹ.
Trong khi đó, vốn hoá của thị trường cổ phiếu hiện nay khoảng 48 nghìn tỷ USD, cao hơn một chút so với quy mô của thị trưởng trái phiếu. Từ đó cho thấy, thị trường trái phiếu đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Mỹ vì đó là nơi đầu tư cho các quỹ hưu trí của người dân Mỹ.
Theo TS Hiếu, cách đây 14 năm (2008) thị trường trái phiếu Mỹ cũng trải qua một khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử, giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm 10,8% khi nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái 2008, bắt nguồn từ thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Người dân Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD và 9 triệu người mất việc...
TS Hiếu cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây. Mặc dù, thị trường chưa rơi vào khủng hoảng nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ. Cũng như tại thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái 2008, người thiệt hại nhất là người dân với tiền tích luỹ được đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao nhưng đầy rủi ro
Thị trường phát hành riêng lẻ sẽ phát triển mạnh hơn so với thị trường phát hành ra công chúng nhưng lại là thị trường rủi ro hơn vì các qui định về phát hành không chặt chẽ như phát hành ra công chúng.
Nhìn bài học từ thị trường Mỹ đã từng trải qua, theo TS Hiếu, Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường.
“Nhiều người hiện nay lo ngại việc siết chặt thị trường của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường. Theo tôi, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sụ phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên sẽ tạo ra những khó khăn cho thi trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường, và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường đi vào quy củ và ổn định”, TS Hiếu bày tỏ.
Về xếp hạng tín nhiệm, TS Hiếu cho rằng, Đạo luật Dodd-Frank đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm, chúng ta nên nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng cho Việt Nam, đặc biệt cần quan tâm đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: Quy định việc các Công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; Thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC; Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư và Không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, TS Hiếu cũng cho rằng, cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ tài chính về Xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các Công ty Xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, để kiểm soát việc tuân thủ các qui định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm, và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.
Hay như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ ban hành năm 2020 cũng cần bổ sung, một số điều như: Các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn (chẳng hạn một lộ trình dùng vốn để thực hiện một dự án đầu tư, với những cột mốc thời gian nhất định, và các báo cáo tiến độ thực hiện trong từng quý, từng năm); Làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi và tính lãi suất cố đinh hay thả nổi và thả nổi dựa vào các chỉ số nào; Bản cáo bạch cũng phải nêu rõ những cam kết tài chính, chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành phải tuân thủ; Khi nhà phát hành vi phạm những cam kết này thì nhà đầu tư có chế tài gì.