Người dân 'quay cuồng' trong 'bão giá'
(DNTO) - Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo diễn ra chiều nay 13/6, dự báo giá xăng sẽ xuyên thủng mức 33.000 đồng/lít như hiện nay. Gánh nặng bão giá theo đó, chắc chắn đè nặng hơn lên vai người dân.
Sáng thứ Hai, 13/6, chị Hồng Trâm, một nhân viên văn phòng, với tổng mức thu nhập hàng tháng khoảng 7 triệu đồng, đi chợ như thường lệ. Tới hàng rau quen thuộc, tính mua 1kg rau cải nhún, chị bán rau thông báo nay giá lên 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Chị Trâm giật mình và quyết định mua 10.000 đồng/500gr rau muống thay vì mua 1kg rau cải.
Chị Hồng Trâm xin thêm ít hành lá để kho cùng nửa ký cá nục, mua với giá 60.000 đồng – mức giá đã tăng 10.000 đồng/kg so với cách đây khoảng nửa tháng, chị bán rau thông báo giá hành lá tăng rất mạnh, giờ 60.000 đồng/kg, tăng tới 20.000 đồng/kg nên cũng rất khó cho thêm khách.
Trước đó, đại lý kinh doanh sữa cũng thông báo, từ ngày 5/6 một thùng sữa T.H True milk 48 hộp, đã tăng 5%, từ 378.000 đồng lên 385.000 đồng; 1 hộp phô mai Con Bò Cười 8 miếng cũng tăng 6.000 đồng, lên 36.000 đồng/hộp.
Không những thế, từ khoảng giữa tháng 5, các loại trứng gà, vịt đã tăng lên mức kỷ lục, tăng tới 5.000-10.000 đồng/chục và chắc chắn còn tăng trong thời gian ngắn tới. Các loại dầu ăn, mắm, bột ngọt, đậu hũ, rồi các sản phẩm thực phẩm chế biến... cũng đã tăng ít nhất 1.000 đồng/sản phẩm.
“Tôi đi xe Lead từ cuối năm 2017, đổ tầm 111.000 đồng xăng Ron 92 là đầy bình 6 lít; tới nay, phải 198.000 đồng mới đầy bình, trong khi tổng thu nhập có phần giảm”, chị Hồng Trâm trăn trở.
Tác giả bài viết vừa viết tới đoạn này, lướt báo, thì thấy thông tin từ ngày 15/6/2022 giá trứng, gà vịt trong chương trình bình ổn sẽ tiếp tục tăng lên 2.000 đồng/chục. Trứng gà loại 1 trong chương trình bình ổn sẽ có 31.500 đồng/hộp 10 quả; và trứng vịt giá 37.000 đồng/hộp 10 quả. Giá trứng ngoài thị trường tự do có thể sẽ cao hơn mức giá trong chương trình bình ổn từ 5.000-10.000 đồng/chục.
Các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm cho biết, giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng tới 30-40%, các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề như sản xuất, vận tải thì nêu chi phí xăng dầu tăng cao, 30-60% tùy ngành cụ thể.
Theo Bộ Tài chính, với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 sáng 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng: "Trong những tháng đầu năm, lạm phát của Việt Nam đang ở mức kiểm soát được, tức là tăng 2,25%. Nhưng qua phân tích, đánh giá, chủ yếu mức tăng giá này liên quan đến giá của hàng hóa thế giới".
Theo Thống đốc, lạm phát là vấn đề của toàn cầu hiện nay, Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cửa rất lớn và đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm khoảng 100%. Điều này cho thấy, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu từ thế giới, cho nên cũng chịu áp lực của lạm phát.
Đồng thời, Thống đốc cũng lưu ý, mặc dù các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân nhưng thời gian tới, khi những gói giải pháp này đưa ra thì cũng sẽ tác động đến lạm phát.
Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải thực hiện theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ cũng như là tiến độ giải ngân của các gói này để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn.
Quả thật, không phải người dân nào cũng hiểu lạm phát là gì, người công nhân, chạy xe xích lô hay người bán vé số, người bốc vác có khi cũng chẳng xem các đại biểu quốc hội trả lời chất vất. Điều họ quan tâm là tiền kiếm ra hàng ngày có đảm bảo đủ nhu cầu ăn uống sinh hoạt tối thiểu hàng ngày không?
Điều quan tâm với một người công nhân là với 200.000 đồng, nếu gia đình có hai vợ chồng và hai em bé thì có đủ chi phí ăn uống tối thiểu không, trong khi giá dầu, mắm, giá trứng, giá xăng, giá sữa, giá gạo, đường, muối... chỉ thấy rủ nhau tăng mà không biết khi nào giảm.
Sở dĩ, người viết bài nói mức 200.000 đồng cho một ngày sinh hoạt của một gia đình ba người là bởi, hiện tại, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng cho công nhân như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Như vậy, một người công nhân làm việc tại một số khu công nghiệp, nhà máy ở TP.HCM một tháng sẽ có lương cơ bản và phụ cấp trên dưới 5 triệu đồng; tăng ca nữa là 7-8 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà, điện nước, chi phí sinh hoạt của bốn người, chi phí đi học của hai con nhỏ thì số tiền 15 – 16 triệu đồng có khi cũng chỉ như muối bỏ biển, trong tình hình bão giá như hiện nay.
Chị Tô Ly Đa, công nhân công ty bao bì Quang Hy, KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP.HCM cho biết, lương cơ bản của chị là 5 triệu, nếu làm thêm, tăng ca thứ 7, Chủ nhật thì được 7 - 8 triệu. Nhưng hiện tại, do công việc ít, nên chị không thể tăng ca, mỗi tháng chỉ có 5 triệu tiền lương cơ bản. Chồng chị hiện cũng làm công nhân đóng nút tại KCN Vĩnh Lộc, tổng cộng mỗi tháng thu nhập 9 triệu vì đăng ký làm hai ca.
Tổng thu nhập hai vợ chồng chị hiện nay là 14 triệu. Tiền nhà 1,8 triệu đồng/tháng; điện nhà nước 400.000 đồng, nước không tốn; tổng chi phí cho hai bé (một sắp vào lớp và một 3 tuổi, nếu không đau bệnh) là 6 triệu.
“Mỗi ngày, tôi gói ghém tiền sinh hoạt, ăn uống của bốn người chỉ trong vòng 200.000 - 210.000 đồng. Bao gồm hai vợ chồng ăn sáng mì gói hoặc gói xôi 10.000 đồng/người; bữa trưa 30.000 đồng/người và bữa chiều 150.000 đồng/4 người. Rồi tiền đám hỏi, đám cưới, thôi nôi, tiền nọ tiền kia. Giá thực phẩm các loại đều tăng trong khi số tiền chỉ được tiêu có vậy, nên sẽ phải tính toán chi li hơn, bớt món nọ, món kia, vì thực phẩm chỉ thấy tăng mà không thấy giảm, trong khi thu nhập giảm thấy rõ. Thực sự công nhân như tụi tui sống ngáp ngáp luôn”, chị Ly Đa nói.