TS. Nguyễn Đình Cung: 'Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ là động lực chính 'xốc' tăng trưởng kinh tế
(DNTO) - "Tôi cho rằng, để có thể thay đổi sức ì và động viên được sự sáng tạo, đột phá trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, về trung và ngắn hạn, cần nhìn thấy cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước là một chủ đề đầy tiềm năng", TS.Trần Đình Cung đánh giá.
"Tài khóa có thể giữ nguyên nhưng tiền tệ phải thắt chặt hơn"
Hơn 5% là mức tăng trưởng GDP quý 1/2022. Đây là mức cao nhất của quý 1 trong 3 năm qua và cũng là khoảng thời gian nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19, trong đó đóng góp lớn nhất là công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 6,38%. Khu vực dịch vụ đã lấy lại tăng trưởng 4,58%. Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,45%...
Đó là những tín hiệu rất tích cực phục hồi kinh tế đầu năm. Nhưng với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta sẽ chống chịu như thế nào với những cú sốc kinh tế từ bên ngoài như dịch bệnh, xung đột, giá cả, lạm phát…
Trình bày tại tọa đàm "Quan điểm chính sách VEPR - Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới", đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới tác động đến bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, báo cáo của VEPR nêu quan điểm, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ giảm tốc từ 5,5% năm 2021 xuống còn 4,1% năm 2022, nguồn cung bị gián đoạn kéo dài, kéo theo tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tiếp tục chậm hơn nữa trong năm 2023.
Thậm chí, tăng trưởng của các nước đang phát triển và mới nổi (EMDEs) dự kiến sẽ chậm lại từ 6,3% năm 2021 xuống còn 4,6% năm 2022; một số nền kinh tế nhỏ dựa vào du lịch, tăng trưởng năm nay dự kiến còn thấp hơn mức của năm 2019.
"Cần kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, các địa phương với nhau, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Đây là những thách thức rất lớn với Việt Nam. Do đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về logistics, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu”, khuyến nghị của VEPR nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá, hiện nay, bất ổn kinh tế vĩ mô trở nên rõ nét, những rủi ro của thị trường tài chính, cùng với lạm phát đang ngày càng phả sức nóng hơn so với trước rất nhiều khiến nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng hiện hữu. Điều này buộc chính phủ ngoài phục hồi tăng trưởng phải chú ý nhiều hơn đến việc thắt chặt tiền tệ.
Ông Cung phân tích, Việt Nam đang thực hiện duy trì chính sách tiền tệ và tài khoá mở rộng để phục hồi kinh tế, tuy nhiên dư địa cho 2 chính sách này dần hạn chế. Trong bối cảnh này kiểm soát về dịch vụ trong phạm vi quản lý của nhà nước rất quan trong như xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện…
Việc điều chỉnh các mặt hàng chiến lược này ngoài bảo đảm theo yêu cầu, lộ trình thị trường, giảm sức ép lên ngân sách nhà nước mà còn cần đảm bảo cân nhắc an toàn cho động lực tăng trưởng.
"Tài khóa có thể giữ nguyên nhưng tiền tệ phải thắt chặt hơn, như thế gói trợ cấp 2% lãi suất đối với gói cung tiền sẽ phải thu hẹp lại, những tác động không thuận cả bên trong lẫn bên ngoài rõ ràng báo hiệu việc giữ nguyên tăng trưởng kinh tế như kịch bản đã đề ra 6- 6,5% là không logic", ông Cung nhận định.
Kinh tế tư nhân sẽ dẫn dắt tăng trưởng
Ông Cung đánh giá, muốn đạt tăng trưởng theo kỳ vọng, Chính phủ phải có những chính sách, những nỗ lực thực thi cải cách tốt hơn, gấp gáp hơn, mạnh mẽ hơn.
"Hiện nay, có rất nhiều nghị quyết, nhiều giải pháp, nhưng lẻ tẻ, và phần lớn giải pháp mang tính chất "kỹ thuật", chứ không mang tính chất là một sự cải cách thực chất.
Hiệu quả từ chính sách chậm thì ngay từ khi kế hoạch chưa ban hành tôi đã dự đoán thậm chí là không thực hiện được, bởi vì nhìn cách thiết kế và cách thức thực hiện thì thấy rằng nó không thay đổi gì", ông Cung thẳng thắn.
Ông Cung ví dụ, "như gói an sinh xã hội, chúng ta thực hiện qua ngân hàng chính sách xã hội, và ngân hàng đó thì năng lực và cách thức thực hiện vẫn như thế, rõ ràng là không thể có sự đột biến để đẩy nhanh gói bổ sung. Đó là hạn chế".
Cũng tương tự như vậy, đối với đầu tư công thì lâu nay vẫn không thể bố trí, phân bổ vốn được. Ông Cung ví dụ như có 100 dự án thì chúng ta chỉ phân bố được nhiều nhất là 95, 97, việc giải ngân chậm, kém hiệu quả vẫn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
"Tuy Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, và đã có những ý kiến đề xuất thay đổi về biện pháp giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vấn đề nằm ở từng dự án chứ không hẳn là vấn đề thể chế", ông Cung chỉ rõ và cho rằng một trong những động lực để thúc đẩy đó là tạo áp lực.
"Không nhìn thấy động lực để thay đổi thì phải tạo áp lực. Đây được coi là động lực nội sinh, tôi cho rằng sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, kết hợp với việc đánh giá thường xuyên và độc lập về kết quả thực hiện, sẽ tạo ra áp lực bên ngoài dội vào, đồng thời với áp lực như thế, nó sẽ mạnh mẽ hơn...", ông Cung nêu giải pháp.
Bên cạnh đầu tư công, ông Cung cho rằng, những động lực chính cho tăng trưởng vẫn là xuất khẩu và thúc đẩy tổng cầu. Tổng cầu nền kinh tế có tăng lên nhưng chưa đủ mức cao như những năm trước, đó là lý do giải thích lạm phát cao nhưng chỉ số CPI vẫn thấp.
Đặc biệt, để có thể thay đổi sức ì và động viên được sự sáng tạo, đột phá trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Cung nhận định, về trung và ngắn hạn cần nhìn thấy cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước là một chủ đề đầy tiềm năng. Phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình hộ kinh doanh (khu vực đóng góp 30% GDP)...
"Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực bù đắp được những thiếu hụt ở chỗ khác. Phải đổi mới cơ chế, chính sách là để doanh nghiệp nhà nước vận hành linh hoạt. Có vậy, mới phát huy hết tiềm năng", ông Cung nhận định.
Đồng thời ông nhấn mạnh, phải cải cách mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh, đặc biệt chú ý nhiều hơn đến giải pháp về thu hút đầu tư nước ngoài.
"Chúng ta nên thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam không còn là điểm sáng để thu hút FDI nữa, bởi Việt Nam không khôi phục nhanh như trước cả về số và tốc độ tăng trưởng. Tôi nghĩ là chúng ta phải nhìn rõ hơn, chấp nhận sự thật để có những giải pháp phù hợp để "xốc lại" huy động vốn đầu tư nước ngoài, đừng bảo thủ, viển vông nghĩ chúng ta vẫn hay, vẫn tốt", ông Cung thẳng thắn.