Cần chính sách cẩn trọng, linh hoạt để ghìm lạm phát những tháng cuối năm
(DNTO) - Trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa… liên tục leo thang việc giữ lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là rất khó khăn, đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể, từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Giá xăng dầu liên tục 'lập đỉnh' khiến CPI tháng 6 tăng 0,69%
Theo số liệu được công bố sáng nay 29/6 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,69% của CPI tháng 6/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/6/2022, 13/6/2022 và 21/6/2022 làm cho giá xăng tăng 8,23%; giá dầu diezen tăng 8,5%.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Thực tế bão giá đã “gõ cửa” từng gia đình, ngấm vào bữa ăn và đơn hàng của cộng đồng doanh nghiệp
Lý giải về điều này, TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng hầu hết hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm tỉ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Chính vì thế giá cả của hầu hết mặt hàng sẽ chịu tác động do chi phí đầu vào tăng cao.
“Với việc giá xăng tăng liên tục như vừa qua sẽ làm tăng thêm áp lực cho lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới”, TS Huân nói.
Bên cạnh đó, giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng cao cùng với gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng ở Việt Nam. Đặc biệt, chi phí liên quan đến vận tải đã tăng hai chữ số trong hơn một năm qua.
“Do Việt Nam có khả năng cung cấp thực phẩm trong nước, áp lực tăng giá phần lớn bị chi phối bởi các thành phần liên quan đến hoạt động vận tải, chiếm khoảng 75% mức lạm phát hiện nay. Mặt khác, với xung đột Nga - Ukraine kéo dài cũng như các lệnh trừng phạt chưa có dấu hiệu giảm bớt, tỉ lệ lạm phát chính của Việt Nam dự báo ở mức 3,7% năm nay và sẽ tăng lên 5% vào năm 2023”, ngân hàng UOB nhận định.
Áp lực lạm phát những tháng cuối năm khá lớn
Đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu...
Theo bà Hương, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, một số chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022.
Bên cạnh đó, tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
"Công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra", bà Hương nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh rằng mặc dù hiện nay lạm phát Việt Nam trong tầm kiểm soát nhưng không có nghĩa chúng ta không chịu nhiều tác động, nhất là trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng khá mạnh.
"Để đảm bảo được tỷ lệ lạm phát nằm trong mục tiêu 4%, Chính phủ cần có những biện pháp để ổn định giá cả, đặc biệt là giá cả của những mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi tiêu dùng của người dân. Lạm phát chỉ có thể được kìm hãm tốt nếu giá cả của những mặt hàng này được kiểm soát tốt và bình ổn", ông Hiển nhấn mạnh.
Về phần mình, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần phải khắc phục những khó khăn bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác, để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế nước nhà.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logistics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.