Lạm phát vẫn là rủi ro hàng đầu vào cuối năm 2022
(DNTO) - Các chuyên gia nhận định, rủi ro lạm phát gia tăng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022 do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, với giá dầu thô, khí đốt tự nhiên tăng; việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, giá cước vận chuyển có thể tác động đến chi phí sản xuất của Việt Nam.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC vừa phát hành cho thấy, trước tình hình giá dầu thế giới tăng cao, HSBC dự báo xu hướng sẽ còn kéo dài một thời gian nữa, tạo áp lực khiến lạm phát gia tăng. Gần đây HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát lên 3,7% trong năm 2022, vẫn dưới mức mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.
“Điều may mắn là lạm phát của Việt Nam về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát so với các thị trường mới nổi khác, xét bối cảnh giá thực phẩm và áp lực giá do nhu cầu về cơ bản đã được kiểm soát”, HSBC nhận định.
Mặc dù vậy, HSBC cho rằng, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, HSBC đã đẩy dự báo mức điều chỉnh tăng 50 điểm cơ sở lên quý 3/2022 (trước đây dự báo quý 4/2022), nhiều khả năng sẽ khiến lãi suất điều hành tăng lên 4,5% vào cuối năm 2022.
Còn theo phân tích của các chuyên gia thuộc VnDirect, lạm phát của Việt Nam đã tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 4/2022 (so với 1,9% trong quý 1/2022 và 2,4% vào tháng 3/2022), chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng nhóm giao thông vận tải (tăng 16,6% so với cùng kỳ) do giá xăng dầu tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga. Trong khi đó, chỉ số lương thực, thực phẩm vẫn ở mức thấp 1,1% so với cùng kỳ do giá thịt lợn giảm (-30%). So sánh theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% so với tháng trước.
“Chúng tôi nhận thấy rủi ro lạm phát gia tăng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022 do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Cụ thể, giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể do khủng hoảng NgaUkraine. Giá dầu thô Brent trung bình ở mức 97,9 USD/thùng trong quý 1/2022 (tăng 59,7%). Chúng tôi cho rằng giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Do đó, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi nâng dự báo giá dầu thô bình quân năm 2022 lên 88 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng trước đó. Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông”, các chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm và giá cước vận chuyển cũng có thể tác động đến chi phí sản xuất của Việt Nam. Xung đột càng kéo dài thì tác động càng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
“Việc tăng giá phân bón và các mặt hàng nông sản (lúa mì, ngô, lúa mạch) cũng có thể làm tăng áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước, mặc dù tác động sẽ tương đối hạn chế. Do đó, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ nóng lên trong tháng tới và dự báo lạm phát trong quý 2/2022 bình quân ở mức 3,1% (so với 1,9% so với cùng kỳ trong quý 1/2022).
Chúng tôi tin rằng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát được lạm phát bình quân năm nay dưới 4,0% như mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Chúng tôi cũng nhận thấy Chính phủ đang thực hiện các giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát trong năm nay, bao gồm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để hạ giá xăng dầu trong nước và điều chỉnh giá dịch vụ công như học phí. Nhìn chung, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2022 ở mức 3,45% so với cùng kỳ”, Khối phân tích VnDirect nêu.