VNDIRECT: Duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý 2/2022 ở mức 5,6%
(DNTO) - Mặc dù lạm phát vẫn là rủi ro hàng đầu, khối phân tích của VNDIRECT tin rằng sự phục hồi mạnh mẽ trong nước bao gồm sản xuất, bán lẻ, tiền tệ sẽ vượt qua những thách thức bên ngoài, và duy trì dự báo GDP ở mức 5,6% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm %) trong quý 2/2022; 7,1% trong năm 2022.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô vừa phát hành, khối phân tích của VNDIRECT chỉ ra tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với tháng trước và 12,1% so với cùng kỳ trong tháng 4. Đây là mức tăng trưởng hàng tháng cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5/2021.
“Trong 4 tháng năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ tăng 6,5% so với cùng kỳ, bất chấp sự sụt giảm trong tháng 2 và 3 do dịch bệnh bùng phát. Chúng tôi kỳ vọng ngành dịch vụ tăng tốc trong những quý tới nhờ lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trong bối cảnh Việt Nam đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của khu vực như SEA Games 31”, khối phân tích cho hay.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục cải thiện
Cũng theo phân tích của nhóm nghiên cứu, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 9,4% so với cùng kỳ (+2,0% so với tháng trước), đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm cao nhất từ tháng 6/2021.
Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam không đổi ở mức 51,7 trong tháng 4/2022, cho thấy điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện, bất chấp những khó khăn bởi giá đầu vào tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 25,0% so với cùng kỳ, lên 33,3 tỷ USD trong tháng 4/2022, đóng góp chính bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu điện thoại và linh kiện (+63% so với cùng kỳ).
Chính sách tiền tệ của Fed có tác động rộng rãi đến nền kinh tế Việt Nam
Điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. Lãi suất USD tăng gây áp lực lên lãi suất trong nước, theo đó, lãi suất tiền gửi VND dự kiến sẽ tăng thêm 20-40 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm.
Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, mặc dù tác động không lớn vì các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng vẫn duy trì như thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp.
Duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2/2022 ở mức 5,6%
Mặc dù lạm phát vẫn là rủi ro hàng đầu, khối phân tích của VNDIRECT tin rằng sự phục hồi mạnh mẽ trong nước bao gồm sản xuất, bán lẻ và tiền tệ sẽ vượt qua những thách thức bên ngoài: "Chúng tôi duy trì dự báo GDP ở mức 5,6% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm %) trong quý 2/2022 và 7,1% trong năm 2022".
Cũng theo khối phân tích, lạm phát của Việt Nam đã tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 4/2022 (so với 1,9% trong quý 1 và 2,4% vào tháng 3/2022), chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng nhóm giao thông vận tải (tăng 16,6%) do giá xăng dầu tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga.
Trong khi đó, chỉ số lương thực, thực phẩm vẫn ở mức thấp 1,1% so với cùng kỳ do giá thịt lợn giảm (-30%). So sánh theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% so với tháng trước.
“Chúng tôi nhận thấy rủi ro lạm phát gia tăng trong khoảng thời gian còn lại của năm 2022 do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine: Giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể do khủng hoảng Nga-Ukraine. Giá dầu thô Brent trung bình ở mức 97,9 USD/thùng trong quý 1 (tăng 59,7% so với cùng kỳ).
Chúng tôi cho rằng giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Do đó, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi nâng dự báo giá dầu thô bình quân năm 2022 lên 88 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng trước đó. Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông”, nhóm phân tích chỉ rõ.
Ngoài ra, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm và giá cước vận chuyển cũng có thể tác động đến chi phí sản xuất của Việt Nam. Việc tăng giá phân bón và các mặt hàng nông sản (lúa mì, ngô, lúa mạch) cũng có thể làm tăng áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước, mặc dù tác động sẽ tương đối hạn chế.
Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng lạm phát sẽ nóng lên trong tháng tới và dự báo lạm phát trong quý 2/2022 bình quân ở mức 3,1% so với cùng kỳ.
“Chúng tôi tin rằng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát được lạm phát bình quân năm nay dưới 4,0% như mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Chúng tôi nhận thấy Chính phủ đang thực hiện các giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát trong năm nay, bao gồm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để hạ giá xăng dầu trong nước và điều chỉnh giá dịch vụ công như học phí.
Nhìn chung, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2022 ở mức 3,45% so với cùng kỳ", theo khối phân tích của VNDIRECT.