IMF: Dự báo GDP Việt Nam năm 2022 tăng 6% và tăng 7,2% vào năm 2023
(DNTO) - Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 6% và tăng 7,2% vào năm tới. Lạm phát dự kiến tăng ở mức cao hơn so với dự báo hồi đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Chính phủ giao.
Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam và Lào, cho rằng Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của Covid-19, đặc biệt, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung. Tuy nhiên, sự phục hồi diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Đó là tăng trưởng chậm lại trong khi rủi ro về lạm phát nghiêng về gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như: căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc; việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu; diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…
Theo ông Francois Painchaud, các ưu tiên chính sách lúc này là phải thúc đẩy phục hồi, duy trì sự ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm. Trong ngắn hạn, chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, trong khi không còn nhiều dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa do rủi ro lạm phát gia tăng. Ông cũng kiến nghị cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời với việc tăng cường giám sát tài chính.
Về trung hạn, các chính sách cần tập trung huy động thu ngân sách, hiện đại hóa chính sách tiền tệ, tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng và cải cách cơ cấu quyết liệt.
Ông Francois Painchaud đề xuất bỏ dần mức trần tăng trưởng tín dụng tổng thể và trần đối với từng tổ chức tín dụng. Việc này cùng với sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái theo hai chiều sẽ cải thiện phân bổ tín dụng và củng cố cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, việc nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng cũng là một việc làm cần thiết. Việc áp dụng Basel II được cho là chìa khóa để nâng cao năng lực quản lý rủi ro và khả năng xử lý thua lỗ của các ngân hàng.
Với bối cảnh hiện nay, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ tăng trong ngắn hạn.