Giao 'đề bài' cho chính sách tài khóa để ổn định kinh tế Việt Nam trong giông bão
(DNTO) - Để xây dựng được “đệm tài khóa" chống sốc, giữ an toàn cho sức khỏe nền kinh tế trong giai đoạn trung và dài hạn là điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh biến động toàn cầu như hiện nay, cán cân ngân sách nguy cơ mất cân đối và rủi ro làm tăng vay nợ chẳng khác nào cái "án treo" lơ lửng.
Đại dịch và xung đột chính trị đã tác động sâu rộng nhiều mặt đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường lao động, xuất khẩu, tỷ giá, lạm phát...Song nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế, vẫn sáng lên niềm tin lạc quan trước những thành tựu đã và đang đạt được, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang có được đà hồi phục ấn tượng.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó, con số này phản ánh sự khả quan so với viễn cảnh u ám ở các nước khác và là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.
Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng ổn định.
Để được vinh danh, và đưa Việt Nam trở thành "vịnh tránh bão trong cơn biển động", là nhờ Việt Nam đang giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động. Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, "không thể nóng vội", với năng lực điều hành "dĩ bất biến, ứng vạn biến", linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chính sách và quyết liệt hành động.
Nhắc đến sức mạnh trong việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2022, rõ ràng Chính phủ Việt Nam đã duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, có lúc chịu "ẩn mình" thâm hụt tài khóa ở mức vừa phải cũng như duy trì mức độ nợ ổn định. Trong đó phải nhấn mạnh đến các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam vẫn ở dưới mức 4% trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.
Và mặc dù "chưa có khi nào trong lịch sử giảm thuế nhiều như hiện nay" như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng nói, nhưng kết quả, thu ngân sách nhà nước 8 tháng của năm 2022 vẫn đạt được kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Cấn Văn Lực,Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, vai trò các chính sách tài khóa đã thể hiện rõ qua nhiều phương diện. Nhờ các chính sách kiểm soát dịch bệnh linh hoạt, chính sách tài khóa với giảm, giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp đã giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 7,9% của cùng kỳ năm 2021 và tiệm cận mức 9,5% của cùng kỳ năm 2019, mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với chính sách tài khóa là phải giải bài toán tổng thể, bởi chính sách điều hành hôm nay không chỉ ngắn hạn mà cần phải căn cơ, dài hạn, bài bản, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tăng trưởng.
Đưa ra một số gợi ý chính sách tài khóa cho năm 2022 và trung hạn 2023 - 2025, các chuyên gia cho rằng, năm 2023-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.
Cụ thể, bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới, vì vậy kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Về gói hỗ trợ hiện nay, do yêu cầu về giải ngân đầu tư công sẽ đòi hỏi thời gian nên cũng không thể kỳ vọng tỷ lệ giải ngân cao cho năm 2022. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho việc lập kế hoạch và giải ngân cho năm 2023. Vì vậy, vai trò theo dõi và giám sát của cơ quan dân cử các cấp với việc giải ngân gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.
Ngoài ra, cần xem xét lại khả năng lập dự toán ngân sách nhà nước cho trung hạn, đặc biệt là vấn đề lập dự toán cho chi đầu tư để tránh trường hợp chi chuyển nguồn quá nhiều.
Đáng chú ý, vấn đề huy động nguồn ngân sách và vay nợ, để huy động nguồn có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối.
"Trong giai đoạn hiện nay có thể chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, xã hội", PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, nêu quan điểm.
Trong trường hợp cần thiết, Việt Nam cũng có thể sử dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) để huy động nguồn ngoại tệ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Hiện nay, theo tính toán của IMF thì hạn ngạch của Việt Nam là 0,24% - thấp nhất trong khu vực ASEAN; trong khi đó, hạn ngạch của các thành viên khác cao hơn rất nhiều. Cụ thể, cao nhất là Indonesia 0,98%; Singapore là 0,82%; Thái Lan là 0,67%; Philippines là 0,43%…
Theo tỷ lệ hạn ngạch quy định từ IMF, Việt Nam nhận được khoảng 1,09 tỷ SDRs, tương đương 1,56 tỷ USD. Đây sẽ là khoản dự trữ ngoại hối khá lớn mà Việt Nam có thể huy động trong điều kiện khẩn cấp. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý khi sử dụng các khoản vay về ngoại tệ vì nếu không có sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ thì sẽ có rủi ro cao làm tăng cung tiền và tiềm ẩn lạm phát.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia "cân đong", Việt Nam có nguồn tăng thu ngân sách khi giá dầu tăng. Theo đó, nếu giá dầu thô nếu ở mức 110 USD/thùng, tác động tăng thu ngân sách nhà nước là khoảng 2.376 tỷ đồng/tháng; còn nếu giá dầu thô ở mức 120 USD/thùng, tác động sẽ là khoảng 2.644 tỷ đồng/tháng.
Như vậy, trong trường hợp lạm phát lên cao, Nhà nước vẫn có khả năng cắt giảm các loại thuế phí để hạ giá xăng dầu nhằm hạ nhiệt lạm phát. Nhìn chung, với xu hướng giá dầu giảm kết hợp cùng với dư địa vẫn còn để kiểm soát giá của Chính phủ, khá là khó để giá xăng dầu có thể tăng lại mức đỉnh vào tháng 6. Hiện tại, các chính sách tài khóa mở rộng (thúc đẩy đầu tư công, giảm thuế...) có thể sẽ là động lực để hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Cho rằng, việc lựa chọn chính sách tài khóa trong trạng thái kinh tế lạm phát cao, rủi ro vĩ mô lớn, sản xuất đình trệ là rất phức tạp, khó khăn, thách thức, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn còn nhiều sự kiện không thuận lợi liên quan đến vấn đề suy giảm kinh tế toàn cầu...
Do đó, ông khuyến nghị Việt Nam phải tính toán kỹ về “bộ đệm” mang tên dự trữ ngoại hối được tích lũy trong nhiều năm qua. "Bộ đệm" này nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm dần trong vài năm tới.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng nên rút kinh nghiệm từ các chính sách đã triển khai thời gian qua, chính sách nào đơn giản, dễ thực hiện thì triển khai để mang lại hiệu quả cao hơn.
"Xem xét điều chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung của việc thực hiện chính sách tài khóa nên là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối tượng hưởng lợi và không tạo ra cơ hội cho tham nhũng chính sách", PGS. Vũ Sỹ Cường đề xuất.